Mục tử nhân lành yêu thương đàn chiên bằng tình yêu đích thực

17/04/201612:37 SA(Xem: 8485)
Mục tử nhân lành yêu thương đàn chiên bằng tình yêu đích thực

Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh
(Năm C − ngày 17-4-2016)

 

TIN MỪNG: Ga 10,27-30

Chúa là mục tử luôn gắn bó với chiên của mình

 (27) Khi ấy, Đức Giêsu nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. (29) Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi và Chúa Cha là một».

 

CHIA SẺ

1. Người mục tử phải thật sự yêu thương đàn chiên

Đọc bài Tin Mừng, ta thấy ngay sự quan hệ tốt đẹp, đầy yêu thương, và gắn bó đến mức sống chết với nhau giữa mục tử và đàn chiên. Quan hệ ấy quả là gương mẫu tuyệt vời cho mọi quan hệ ở trần gian này giữa các vị mục tử và những giáo hữu mà các ngài có trách nhiệm chăm sóc. Quan hệ giữa mục tử và giáo hữu có tốt đẹp hay không tùy thuộc vào cả hai phía, nhưng bình thường thì chủ yếu và tiên khởi vẫn thuộc về phía mục tử.

Đức Giêsu nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi» (Ga 10,27-28). Tại sao chiên lại nghe và theo người mục tử, mà không nghe và theo người lạ hay kẻ trộm? Chính vì đàn chiên đã cảm nhận được tình yêu thương đậm đà mà người mục tử dành cho chúng, người mục tử trở thành «người nhà», người thân thiết nhất của chiên. Để là mục tử đúng nghĩa, điều quan trọng là phải có tình yêu đối với những người mà Thiên Chúa trao trách nhiệm cho mình chăm sóc. Điều này đòi hỏi người mục tử phải yêu mến Thiên Chúa hay Đức Giêsu thật sự và nồng nàn.

Chắc chắn không phải là không có ý nghĩa việc Đức Giêsu, trước khi giao cho Phêrô trách nhiệm coi sóc đàn chiên của Ngài, đã phải hỏi ông tới ba lần: «Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em nàykhông?» (x. Ga 21,15-17). Thật vậy, có yêu Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, có yêu Đức Giêsu nồng nàn thì mới có đủ tình yêu cần thiết để hy sinh cho đàn chiên như nhu cầu thực tế của đàn chiên đòi buộc. Người mục tử có thật sự yêu thương đàn chiên, thì đàn chiên mới cảm nhận được tình yêu người mục tử dành cho họ, để dựa vào đó họ tin tưởng và nghe theo người mục tử. Người mục tử sẽ chẳng làm được gì ích lợi cho đàn chiên nếu đàn chiên không tin tưởng và không vâng nghe lời người mục tử.

Và chắc chắn người mục tử chỉ có thể biểu lộ tình yêu của mình đối với Đức Giêsu qua việc yêu thương mọi người, mà đối tượng ưu tiên là đàn chiên của mình, không có cách biểu lộ nào đúng hơn cách biểu lộ này (x. Mt 25,40.45). Trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô đệ Salê đã chỉ cho ta cách mến yêu và phụng sự Chúa cách thực tế, bảo đảm và chính thức nhất là «mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người».

Tóm lại, muốn đàn chiên tin tưởng và nghe theo mình, người mục tử phải thật sự yêu thương đàn chiên.

2. Mục tử cần hiểu theo nghĩa rộng

Từ «mục tử» không nên chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là các linh mục, giám mục, các giáo sĩ hay những vị lãnh đạo Giáo Hội, mà cần hiểu theo nghĩa rộng hơn. Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia và Êzêkiel, Thiên Chúa đã quở trách một số vua chúa của Israel là những mục tử rất xấu (x. Gr 23,1-2; Ed 34,2-6; 8b-10). Do đó, mục tử còn được hiểu là những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, xã hội, điều hành tập thể các cấp trong xã hội.

Gần gũi hơn, người  cha hay người mẹ trong gia đình cũng là mục tử đối với cảgia đình, nhất là đối với con cái mình. Người giáo dân làm huynh trưởng củamột hội đoàn, dù chỉ là trưởng một tiểu đội, cũng là mục tử đối với các thànhviên trong hội đoàn của mình.

Dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, người mục tử cũng cần noi gương mục tử nhân lành Giêsu trong việc yêu thương đàn chiên bằng một tình yêu đích thực, để «đàn chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10).

Cầu mong cho thế giới, Giáo Hội, các quốc gia, các gia đình, và mọi tập thể có những mục tử chân chính nhiều hơn những người hành nghề mục tử. Vì bổn phận của các mục tử rất nặng nề, đòi hỏi rất nhiều tình yêu, năng lực, tinh thần hy sinh… mới có thể chu toàn được, nên chỉ những mục tử chân chính mới làm Giáo Hội và xã hội thăng tiến, và hoàn thành được sứ mạng mà Thiên Chúa và Đức Giêsu trao phó.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, là người đứng đầu một gia đình, một tập thể, một hội đoàn, một giáo xứ, xin cho con ý thức trách nhiệm của một mục tử đối với những người mà con phải hướng dẫn, chăm sóc. Xin hãy giúp cho những người có trách nhiệm mục tử trở nên những mục tử đích thật, những mục tử có tình yêu thật sự, những mục tử dám hy sinh và sống chết với những người mình có trách nhiệm chăm sóc. Xin hãy ban sức mạnh và củng cố tình yêu nơi tất cả các mục tử của Cha, để mọi gia đình con, mọi tập thể, cũng như thế giới và Giáo Hội, nhờ ơn Cha, được biến cải và trở nên tốt đẹp hơn. Amen.


Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2017
Được phép hay không được phép rước lễ? Giáo Hội vẫn loay hoay với chuyện làm sao hiểu đúng đắn „Amoris Laetitia“, đặc biệt sau khi lá thư của bốn hồng i (Burke, Brandmüller, Cafarra và Meisner)
29/10/2016
Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên (30-10-2004) Thái độ nên có đối với người tội lỗi. ĐỌC LỜI CHÚA Kn 11,22-12,2:(1,23) Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ
20/09/2016
Thế Nào Là Lòng Thương Xót? Năm Thánh Chúa Thương Xót sắp chấm dứt vào tháng 11.2016. Nhân dịp này chúng ta cũng nên suy xét lại xem, mình đã hiểu và đã thực hiện Thương Xót ra
26/05/2016
Đọc Thông điệp Bản dịch của Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoai LAUDATO SI – CHUC TUNG THIEN CHUA
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC