Thế Nào Là Lòng Thương Xót?

20/09/201612:59 SA(Xem: 11499)
Thế Nào Là Lòng Thương Xót?

Thế Nào Là Lòng Thương Xót?

 

 

Năm Thánh Chúa Thương Xót sắp chấm dứt vào tháng 11.2016. Nhân dịp này chúng ta cũng nên suy xét lại xem,  mình đã hiểu và đã thực hiện Thương Xót ra sao trong năm hồng ân. Nội dung bài phỏng vấn giữa nữ kí giả Evelyn Finger và hồng i Waltewr Kaspar sau đây là một vài gợi ý để ta suy nghĩ.

Hồng i Walter Kaspar, 85 tuổi, hiện nghỉ hưu và sống tại Vatican. Cho tới 2010 ông là Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Tông về Hợp Nhất Ki-tô Giáo. Cuốn sách mỏng „Lòng Thương Xót“ của ông ảnh hưởng nhiều trên đường hướng mục vụ của giáo tông Phan-sinh.
http://www.zeit.de/2013/51/barmherzigkeit-kardinal-walter-kasper

 

 

Finger: Thưa Hồng Y, có khi nào Ông gặp khó chịu về lòng thương xót?

Kaspar: Hẳn nhiên có. Luôn luôn có những người mình không ưa, nhưng mình lại phải cố gắng nhịn chịu và tử tế đối với họ. „Nhịn kẻ mất lòng ta“ là mối khó nhất trong 14 mối thương người.

Finger: Miệng ai cũng nói tới lòng thương xót, vì giáo tông Phan-sinh thường hay giảng về nó. Nhiều người hiểu rằng, thương xót có nghĩa là biết cảm thương với người nghèo?

Kaspar: Thương xót không có nghĩa chỉ là thương cảm (Mitleid) mà thôi. Chúng ta không nên vô cảm với người khác. Nhưng trong lthương xót còn có một yếu tố tích cực: phải tích cực dấn thân cho một cái gì. Khi cư xử với người khác, mức tối thiểu phải có là công bằng; mức tối đa là phải thương xót.

Finger: Giữa cơn khủng hoảng tài chánh, người Đức cãi nhau về vị trí ưu tiên giữa Công Lí và Thương Xót. Xem ra Công Lí có vị trí ưu tiên tuyệt đối.

Kaspar: Không có thương xót, nếu không có công lí. Nhưng thương xót vượt lên trên công lí, vì thương xót luôn nhìn vào con người và luôn sẵn sàng mở ra cho họ một cơ hội. Đấy là điểm quyết định. Thiên Chúa không lên án kẻ muốn trở về; Người cũng không kết án, dù kẻ đó đã phạm một tội tày đình.

Finger: Thế tại sao Giáo Tông đã dùng những lời lẽ nặng nề để tấn công Bất Công?

Kaspar: Vì ngài thấy trong hệ thống kinh tế của chúng ta có cái gì bất hợp lí. Ngài không nói mọi người phải có được nhiều như nhau, song mọi người phải có đủ để sống. Tôi nghĩ, điều ngài nói là có lí.

Finger: Ki-tô Giáo có bảy Mối Thương Linh Hồn và bảy Mối Thương Thể Xác*. Trong đó có: Cho kẻ đói ăn, cho khách trọ nhà, an ủi kẻ âu lo, nhịn kẻ làm mất lòng. Tại sao chúng ta ngày nay coi thương xót chủ yếu là việc quyên góp phát chẩn?

Kaspar: Vì đó là điều dễ làm nhất. Bỏ ra chút tiền vào bị là chuyện dễ làm hơn là không làm gì cả; nhưng thương xót đòi hỏi đồng thời phải nhìn vào mắt tha nhân. Trước cửa nhà tôi ở Roma có nhiều người ăn xin. Tôi không thể giúp họ đến nơi đến chốn được, nhưng ngoài chút tiền bạc tôi cũng cần nói với họ vài lời khích lệ. Giáo Tông nói: Không chỉ cho, mà phải sờ người ta.

Finger: Thương xót là điều có thể tập thành được?

Kaspar: Một chút kinh nghiệm sống hẳn có thể giúp mình thêm thương xót. Tôi thấy mình lúc này dễ lắng nghe người nghèo hay người bệnh nặng hơn trước đây. Thương xót có nghĩa là kiên nhẫn. Tôi là người tương đối ít kiên nhẫn, nên đã phải học cách dành thời gian cho người khác, chứ không luôn đòi hỏi ngay mọi thứ nơi họ. Càng già mình cũng càng phải thương xót chính mình hơn.

Finger: Hồng Y muốn nói gì?

Kaspar: Nghĩa là con người mình luôn lỗi lầm hoài, không bằng lòng với những gì mình làm. Đừng nên tự đòi hỏi mình nhiều quá.

Finger: Như vậy có nghĩa là nên tập khoan dung?

Kaspar: Đúng, nhưng không đủ. Mình phải muốn làm thay đổi một cái gì đó trong thế giới. Hơn nữa cũng có một thứ thương xót sai, khi mình không dám nói ra cho người khác biết hành động sai quấy của họ.

Finger: Hồng Y có mẫu gương nào về thương xót không?

Kaspar: Khi tôi còn nhỏ, trong thời chiến tranh, chúng tôi phải tới nhà các nông dân kiếm mua đồ ăn để dự trử, tôi – một thằng nhỏ công giáo – tới nhà một bà nhà nông tin lành ở làng bên. Bà ấy cho tôi sữa, bột, bơ và trứng. Lần đầu tiên tôi nhận ra: Quái, những người tin lành đâu có xấu như mình tưởng! Đó là kinh nghiệm đại kết đầu đời của tôi.

Finger: Còn có những mẫu gương nào khác?

Kaspar: Mẹ Tê-rê-xa, và cả bao nhiêu phụ nữ nhiệt tình vô danh khác, mà tôi đã gặp nơi các khu ổ chuột ở Phi châu và Nam Mĩ. Ngoài ra tôi còn nghĩ tới Nelson Mandela. Dù phải ngồi tù lâu như thế, mà ông đã chẳng rao giảng hận thù, chỉ biết tha thứ. Chúng ta cần thêm nhiều người như thế, những người có thể thứ tha.

Finger: Thương xót là một đặc tính ki-tô giáo hay đó là một điều phổ quát?

Kaspar: Nó là một bản sắc đặc thù của Ki-tô Giáo, nhưng trên thực tế nó cũng có đôi chút cội rễ trong mọi nền văn hoá. Quy luật vàng trong hành xử của mọi văn hoá là: đừng gây ra cho người khác điều mà chính mình không muốn họ gây ra cho mình. Đó cũng là hòn đá tảng của các nhân quyền ngày nay.

Finger: Ki-tô Giáo có giới răn Bác Ái. Thời Khai Sáng có mệnh lệnh tuyệt đối của Kant: Hãy hành động như thể nguyên tắc hành động của Bạn có thể trở thành quy luật chung.

Kasper: Ở đây có sự khác biệt. Bác ái hàm chứa chiều kích tình cảm; mệnh lệnh của Kant không có tình cảm.

Finger: Nghĩa là một thứ Đạo Đức không có Tình?

Kasper: Đúng. Ngay Friedrich Schiller đã cười nhạo, khi người ta vì tình yêu mà làm điều gì đó, nghĩa là làm vì thích, thì lúc đó chẳng còn chuyện đạo đức nữa. Mệnh lệnh tuyệt đối của Kant hàm chứa một sự lạnh lùng nào đó, trong khi bác ái có sự tham dự của con tim.

Finger: Giáo tông Phan-sinh phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản. Có người nghi ngài theo Cộng Sản.

Kaspar: Phi lí. Dù vậy, công lí không thể là điều tuỳ tiện. Nó là nền tảng sống chung trong xã hội; nhà nước phải lo làm sao để giữ nó; nhà nước có trách nhiệm pháp lí trong việc tạo công lí. Điều này cũng đúng trong Ki-tô Giáo. Nhưng thế giới sẽ trở nên đẹp và dễ chịu hơn, khi có những sự giúp đỡ tự nguyện. Người ta cho đi vì niềm vui. Cho đi chẳng cần tiền bạc. Không chỉ vì tiền, mà cả chỉ vì sự tử tế. Đây là điểm thiếu trong một xã hội chỉ biết đòi hỏi công lí mà thôi.

Finger: Ít ra có được công lí, thì thế giới đã đẹp rồi.

Kaspar: Dĩ nhiên, như vậy là đã nhiều rồi. Quả thật bất công, khi thế giới chúng ta với hàng triệu người đói, hàng triệu trẻ em khát, hàng triệu người bị buộc phải rời bỏ quê hương, hàng triệu người bị bóc lột, trong khi những người khác lợi dụng tình trạng này để sống trong dư thừa. Nhưng dù vậy tôi vẫn không muốn từ bỏ Niềm Vui. Giáo Hội thường tạo cho ta cảm tưởng buồn rầu, thường chỉ nói tới bổn phận. Như thế, Ki-tô Giáo trở thành một thứ gì nghiêm khắc, nó đè nặng trên vai con người. Rồi một Giáo Tông xuất hiện và nói: Không, Đức Tin đến từ niềm vui của con tim; chúng ta chẳng cần phải mãi mãi sống trong nhăn nhó chịu đựng. Điều này quả mang lại niềm vui được giải phóng.

Finger: Tại sao Hồng Y đã viết một cuốn sách về Lòng Thương Xót?

Kaspar: Lí do cũng thường thôi: Tôi muốn soạn một loạt bài thuyết trình cho các linh mục và nhận ra, là đề tài Thương Xót hầu như chẳng hiện diện trong các sách giáo khoa về Tín Lí. Quả là nguy thật.

Finger: Tại sao?

Kaspar: Chúng ta quá nhấn mạnh vào sự toàn năng, toàn trí, công lí của Thiên Chúa.

Finger: Trong cuốn sách, câu hỏi trước hết của Hồng Y: Trước những đau khổ như thế của thế giới, làm sao có thể gọi Thiên Chúa toàn năng là Đấng hay thương xót được.

Kaspar: Tại sao Thiên Chúa lại để cho những con người vô tội phải đau khổ? Câu hỏi này rốt cuộc chẳng có thể trả lời được về mặt thuần lí. Nhưng dù đau khổ, có thể nói là trong bóng đêm của thế giới, ta vẫn thấy một ánh sáng toả chiếu. Đó là niềm hi vọng cánh chung, rằng cuối cùng rồi Bất Công sẽ là kẻ chiến bại.

Finger: Nhưng điều đó có nghĩa gì cho đời này? Đấng Thương Xót có luận phạt những kẻ tội đồ hay không?

Kaspar: Thương xót không phải là một sự tha thứ phiếm diện; nó đòi hỏi công lí và coi đó là điều kiện để tha thứ. Thương xót có nghĩa – và đây cũng là lí do, tại sao trong hầu hết các quốc gia văn minh bỏ án tử hình – là chúng ta rốt cuộc chẳng kết án sự sống của một con người. Nên cho phạm nhân có một cơ hội để nhìn lại mình, để trở về và, nếu có thể, để chuộc lại tội mình. Có như vậy mới có thể tha thứ. Về phía nạn nhân, như vậy là đã nhiều và đó là dấu chỉ của một tâm hồn cao cả, sẵn sàng vượt lên trên căm hận và sự trả thù, và có lẽ đó cũng là chút cơ hội để hiểu ra, tại sao người kia đã có thể hành động xấu xa đến như vậy. Kì cùng ra thì chúng ta chẳng nhìn thấu được tâm can của phạm nhân. Điều giải thoát nơi thông điệp ki-tô giáo là: Cuối cùng sẽ có một kẻ khác phán xét.

Finger: Và chúng ta nên tha thứ?

Kaspar: Đúng, chỉ như thế chúng ta mới có được một tương lai. Tôi không buộc phải quên cuộc tranh cãi hay quên nỗi đau, nhưng tôi có thể tự giải thoát mình ra khỏi chuyện đó. Hận thù gây đau lòng. Đau lòng này phải được cất đi. Ở đây đức tin có thể giúp ta, vì nó cho ta niềm tin chắc chắn, là rốt cuộc chỉ có các hành vi tình thương là đáng giá nhất.

Finger: Trong Giáo Hội cũng có những hành động bất công; trong những năm qua có nhiều trường hợp linh mục lạm dụng tình dục trẻ em được phát hiện. Hồng Y nghĩ thế nào về biện pháp do Vatican mới đưa ra, nhằm giúp đỡ các nạn nhân?

Kaspar: Trước hết: Các lạm dụng này là điều gớm giếc và gia trọng. Chúng ta phải làm những gì có thể, để giúp những nạn nhân bị phá vỡ cuộc đời. Xem ra mục tiêu của cơ cấu mới thành lập nhằm giúp họ về mặt mục vụ, tâm lí và chữa trị. Rõ ràng những thành phần lãnh đạo trong Giáo Hội cũng có lỗi trong chuyện này, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử giáo hội. Không được dấu diếm điều này, vì nó có thể là một bất công mới cho các nạn nhân.

Finger: Giáo Tông đòi phải giải chức linh mục đối với những ai lạm dụng.

Kaspar: Đúng; giáo tông Biển-đức XVI cũng đã muốn điều đó; theo tôi, đó là điều buộc phải làm. Trước đây người ta rất mực khoan dung đối với những phạm nhân, vì lúc đó người ta biết rất ít về những hậu quả nặng nề nơi các nạn nhân. Điều này tất cả chúng ta phải học để biết. Giờ đây trong Giáo Hội công giáo tội lạm dụng không còn chỉ là một lỗi cá nhân nữa, mà đó là một tội ác, và giám mục giáo phận phải trình cho công tố viện biết.

Finger: Thương xót thể hiện thế nào ngay chính trong Giáo Hội? Đưa ra câu hỏi này chúng ta phải nói tới những người li dị tái hôn. Họ không được rước lễ. Hồng Y có tin rằng, điểm này sẽ chẳng thay đổi?

Kaspar: Điều này đã được bàn luận từ nhiều chục năm nay, và nó đã được thảo luận trong kì họp thượng hội đồng giám mục vừa qua. Tôi nghĩ, cần phải có những thay đổi và những lối ra cho điểm này. Những Ki-tô hữu nào muốn cùng Giáo Hội sống đức tin và họ đã nhận ra lỗi của mình khi phá vỡ hôn nhân lần đầu và cũng đã hối hận vì chuyện đó, cần có một cơ hội tái tham gia vào cuộc sống ki-tô giáo và cuộc sống giáo hội. Thiên Chúa có thể tha thứ, thì Giáo Hội cũng có thể tha thứ.

Finger: Nghĩa là họ được phép rước lễ?

Kasper: Cần phân biệt các hoàn cảnh. Có thể chấp nhận từng trường hợp một. Theo tôi, điều này cần và nên làm. Còn những anh đểu, li dị để cặp cô bồ nhí, thì không.

Finger: Một số Ki-tô hữu chờ đợi một cuộc cách mạng giáo huấn đức tin nơi giáo tông Phan-sinh; một số khác tin rằng, ngài sẽ chẳng có thể thay đổi gì cả.

Kaspar: Dĩ nhiên ngài không thể và không muốn sửa đổi giáo huấn đức tin. Nhưng ngài muốn đánh động lương tâm từng người; ngài kính trọng lương tâm đó và không muốn kì thị ai cả.

Finger: Trong cuốn sách, Hồng Y bảo, Thương Xót rốt cuộc là một lối sống, chứ không phải một việc làm của những dịp cuối tuần.

Kaspar: Cần biến nó trở thành một lối sống nền tảng của mỗi người. Muốn có được thói quen để ý đến người khác và không ích kỉ, chúng ta cũng cần phải học tập. Học cách uốn nắn tâm hồn, bằng lối tự kiểm, bằng sự suy tính. Xã hội cá nhân chủ nghĩa ta đang sống dạy ta phải chiếm đoạt, phải thắng thế. Nhưng vấn đề là ta cần phải quan tâm tới những ai không thể chiếm đoạt và chiến thắng được. Ai đã một lần ở lại với những người đói nghèo nhất, người đó sẽ trở về nhà trong một con người khác. Nhiều người không muốn làm như thế, vì sợ phải thay đổi lối sống mình đang có.

Finger: Đối với Hồng Y, những mối nào khó thực hành nhất trong các mối thương?

Kaspar: Kiên nhẫn và khiêm tốn. Khi còn là một linh mục trẻ, tôi thường vào bệnh viện và nhận ra tầm quan trọng của việc dành thời gian gặp gỡ kẻ khác. Luật xã hội ngày nay lại quy định chỉ được bao nhiêu phút cho việc tắm rửa và giúp ăn uống những người già và bệnh nhân. Thế thì Chăm Sóc ở đâu? Trong thế giới đầy lo lắng và dễ kích động hôm nay, việc dành thời giờ là một mối thương quan trọng. Nếu không, thì sẽ chỉ còn sự đói nghèo tinh thần và thiêng liêng, đói nghèo giao tiếp, mất định hướng.

Finger: Cũng vì thế mà người ta tấp nập tới nhà thờ vào mỗi dịp Giáng Sinh?

Kaspar: Giáng Sinh giúp cho nhiều người có được kinh nghiệm tốt: trong cuộc sống còn có một chiều kích khác nữa, chứ không phải chỉ có việc thành đạt mà thôi. Em bé nằm trong máng cỏ chiếu tỏa lên niềm thân ái phàm nhân của Thiên Chúa, điều mà chúng ta rất ít tìm thấy được ở đâu khác trong thế giới này. Vì thế, sau thánh lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể vui vẻ thanh thản bước vào cuộc sống thường nhật. Giáng Sinh làm cho ước vọng về tiền bạc và hạnh phúc bề ngoài bị tương đối hóa.

Finger: Và chúng ta làm gì sau dịp Giáng Sinh?

Kaspar: Mỗi người có thể cố gắng sống thương xót hơn một ít. Sống như thế giúp ta có được bình an tâm hồn. Điều gì ta cho đi bằng tình thương, nó sẽ quay trở lại với chúng ta.

 

Người dịch: Phạm Hồng-Lam

Ngày 01.09.2016

 

* Thương Xác bảy mối:

Thứ nhất cho kẻ đói ăn
Thứ hai cho kẻ khát uống
Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc (*)
Thứ năm cho khách đỗ nhà
Thứ sáu chuộc kẻ làm tôi (*)
Thứ bảy chôn xác kẻ chết.

(*) Giáo lí của Giáo Hội công giáo nước Đức không có mối: chuộc kẻ làm tôi. Đây có lẽ là một mối đặc thù ở Việt Nam, mà các thừa sai đã đề ra trước thực trạng xã hội việt nam thời đó. Giáo Hội đức coi „viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc“ là hai mối riêng biệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 1,1-11: (8) «Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất». • Dt 9,24-28; 10,19-23: (20) Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. • TIN MỪNG: Lc 24,46-53
29/05/2019
Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta tụ họp trong thánh đường này để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, cách riêng là linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống (TT) đầu tiên của Việt Nam, người đã giành lại độc lập và tự do cho dân tộc, đã lập nên nền Đệ nhất Cộng Hòa, đã lãnh đạo Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường mà trong đó người dân sống thanh bình và tự do, ấm no và hạnh phúc. Chúng ta biết công đức của TT Ngô Đình Diệm thì nhiều vô kể. Trong thánh lễ này, chúng ta chỉ chiêm ngưỡng xem ngài đã sống đức tin công giáo thế nào, đã theo Chúa và họa lại nơi bản thân mình hình ảnh Chúa Kitô ra sao.
26/05/2019
Đôi dòng tiểu sử: Marcel Văn tên thật là Nguyễn Tân Văn. Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1928, tại Ngăm Giáo, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngăm Giáo là một làng nhỏ nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, thuộc vùng châu thổ sông Hồng.
26/05/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 15,1-2.22-29: (1) Những người Giuđê cho rằng: «Nếu không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì không thể được cứu độ». (28) (Nhưng) Thánh Thần và chúng tôi (=các tông đồ) đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: (29) là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. • Kh 21,10-14.22-23: (22) Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. (23) Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. • TIN MỪNG: Ga 14,23-29
19/05/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 14,21b-27: (22) «Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa». • Kh 21,1-5a: (1) Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển không còn nữa. (2) Tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới. (5) Rồi Đấng ngự trên ngai phán: «Này đây Ta đổi mới mọi sự». • TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35
17/05/2019
Cùng bạn đọc: Chúng tôi cần thêm những chi tiết về con người và cuộc đời (ngày sinh, ở đâu, làm gì…) của Ki-tô hữu Lâm Đình Tuý. Ông bị tù vì lí do và trong hoàn cảnh nào? Nếu được, yêu cầu cho biết thân nhân của ông, để chúng tôi liên lạc (thuongvu@phongtraogiaodan.com)
14/05/2019
Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.
29/04/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 5,12-16: (12) Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. (14) Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông. • Kh 1,9-11a.12-13.17-19: (17) «Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. (18) Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời. • TIN MỪNG: Ga 20,19-31
19/04/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 1,1–2,2: (27) Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. • Rm 6,3-11: (8) Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. • TIN MỪNG: Lc 24,1-12
14/04/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 50,4-7: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. • Pl 2,6-11: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự. • TIN MỪNG: Lc 19,28-40 (nghi thức rước lá)
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC