Sự phục sinh của Đức Giêsu ích lợi gì cho đời sống tâm linh của tôi?

30/03/20183:00 SA(Xem: 15560)
Sự phục sinh của Đức Giêsu ích lợi gì cho đời sống tâm linh của tôi?
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật Phục Sinh

(1-4-2018)


Sự phục sinh của Đức Giêsu 
ích lợi gì cho đời sống tâm linh của tôi?




ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 10,34a.37-43(40) Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, (41) không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.
  Cl 3,1-4(1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, (2) […] chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. (3) Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.
•  TIN MỪNG: Ga 20,1-9
Ngôi mộ trống

(1) Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: «Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu».

(3) Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. (6) Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.  Việc Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng gì trên đời sống của bạn không? Đã bao giờ làm cho bạn thật sự thay đổi con người bạn chưa? 
2.  Muốn được sống lại với Đức Giêsu trong tâm hồn, nghĩa là trở nên con người mới, con người sống theo Thần Khí, điều cần thiết và cụ thể là ta phải làm gì?
Suy tư gợi ý:

1.  Đức Giêsu sống lại, một biến cố vĩ đại

Hôm nay, chúng ta hân hoan kỷ niệm ngày Đức Giêsu phục sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chết trên thập tự và mai táng trong mồ. Đó quả là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. 

Thánh Phaolô nói: «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15,14); «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người» (1Cr 15,17-19). 



2. Ngài sống lại thì ích lợi gì cho cuộc sống hiện sinh của tôi?

Nhưng thử hỏi biến cố Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng hay ích lợi gì cho đời sống hiện sinh của tôi, nghĩa là đời sống thực tế bây giờ và tại đây của tôi không? Biến cố này có ảnh hưởng trên đời sống của tôi, hay nó chỉ là một kỷ niệm được lập lại hàng năm, chỉ để tưởng nhớ một biến cố đã hoàn toàn qua đi? 

Vì biết bao năm phụng vụ trôi qua, năm nào cũng có Tuần Thánh, cũng có lễ Phục Sinh, mà nào tôi có thay đổi gì đâu! Chuyện Đức Giêsu sống lại với một đời sống mới, con người mới, cách hiện hữu mới, tất cả đều đã trở thành quá khứ, chẳng có ảnh hưởng gì trên hiện tại của tôi, nên tôi vẫn sống với con người cũ, cách sống cũ, chẳng có gì thay đổi! Phải vậy chăng, hay việc Ngài sống lại vẫn là một biến cố hiện sinh, vẫn có khả năng biến cải đời tôi?

Nếu Ngài chỉ sống lại trong lịch sử, cách đây 2018 năm, mà không sống lại trong lòng tôi, thì việc sống lại ấy ích lợi gì cho tôi? Vấn đề quan trọng là Ngài phải sống lại trong tâm hồn tôi. Và vấn đề ấy tùy thuộc ở tôi rất nhiều, ở quan niệm và thái độ nội tâm của tôi đối với việc sống lại của Ngài.



3. Ngài sống lại để biến ta thành con người mới

Đức Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới,ngay bây giờ và chính tại đây, như thánh Phaolô nói: «Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới» (Rm 8,11). 

Điều quan trọng là làm sao có được sự sống mới ấy? Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho biết: Thần Khí làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng chính Thần Khí ấy sẽ biến cải chúng ta nên con người mới, với sức sống mới. Chỗ khác, thánh Phaolô nói: «Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại» (1Cr 6,14). 

Nhưng vấn đề cụ thể là chúng ta phải làm gì để Thần Khí ấy biến cải chúng ta nên con người mới?



4. Muốn nên con người mới, con người cũ phải chết đi

Đức Giêsu chỉ sống lại sau khi chết đi, nên ta chỉ có được sự sống mới sau khi chết đi con người cũ. Vì thế, muốn có sự sống mới, muốn trở nên con người mới, ta phải cùng chết với Đức Giêsu, chết với tất cả những thói hư tật xấu và tội lỗi của con người cũ: «Chúng ta biết rằng, con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa» (Rm 6,6). 

Thánh Phaolô còn nói rõ hơn: «Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện» (Ep 4,22-24).



5. Con người cũ là con người ích kỷ, cần được lột bỏ

Như vậy, để có được sự sống mới, ta phải dứt khoát từ bỏ con người cũ, là con người ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, lo cho mình, chỉ quan tâm tới hạnh phúc và đau khổ của chính mình, không quan tâm gì tới ai, không lo cho ai. Nếu đã lấy mình làm trung tâm thì sẽ coi mọi người, thậm chí cả Thiên Chúa, chỉ là phương tiện. Có diệt trừ thói ích kỷ, là nguyên nhân mọi tội lỗi, chúng ta mới có được sự sống mới: «Nếu sống nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống» (Rm 8,13).

Sự sống mới là một sự sống phong phú, nhưng lại đòi hỏi một sự lột xác, một tinh thần tự hủy: «Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn mãi là hạt lúa; còn nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều hạt khác» (Ga 12,24). Tương tự, theo khoa vật lý nguyên tử, hạt nguyên tử, nếu không bị phá hủy, nó sẽ mãi mãi là một nguyên tử nhỏ bé, im lìm, bất động, không làm nên một công lực hữu ích nào; nhưng nếu bị phá hủy, nó sẽ phát sinh một năng lượng khủng khiếp, có thể làm nên những thành tựu lớn lao. 

Cũng vậy, khi ta phá hủy «cái tôi ích kỷ» của ta, thì «cái tôi» ấy không hề mất đi, mà sẽ chuyển hóa thành một thực tại mới, con người mới, thành «cái tôi vị tha», vĩ đại, cao quí, và sức sống của con người mới ấy sẽ phong phú, mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn lên ngàn lần. 



6. Một nghịch lý thực tế  

Đừng tưởng cứ ôm khư khư lấy «cái tôi ích kỷ» của mình, chăm chút lo cho nó, thì nó sẽ có một sức sống phong phú, tốt đẹp và hạnh phúc. Trái lại, càng quá quan tâm đến nó, thì lại càng làm cho sức sống của nó hạn hẹp lại, càng làm giảm bớt giá trị và hạnh phúc của nó. Đức Giêsu nói: «Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25). 

Kinh nghiệm cho ta thấy: những kẻ ích kỷ, chỉ lo lắng cho bản thân mình, không bao giờ được hạnh phúc và cũng chẳng làm cho ai hạnh phúc. Họ không bao giờ hài lòng với chính họ, với những gì họ đang có. Và càng tìm kiếm thêm cho mình, càng lo cho bản thân mình nhiều hơn, thì họ càng lún sâu vào đau khổ hơn. Trái lại, những vị thánh, những người sống quên mình, xả thân, lại là những người cảm thấy hạnh phúc nhất, mặc dù xem ra họ có vẻ bị thiệt thòi nhất, phải chịu khổ cực nhiều hơn ai hết. 



7. Con người mới là con người vị tha, biết yêu thương

Con người mới được thánh Phaolô xác định: «Con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa» (Ep 4,24); «Con người mới là con người đổi mới luôn luôn để nên giống như hình ảnh Đấng dựng nên mình» (Cl 3,10). Như vậy, con người mới chính là con người hoàn nguyên, nghĩa là trở về với tình trạng tốt đẹp nguyên thủy khi được Thiên Chúa tạo dựng, trước khi con người phạm tội. Đó là con người phản ánh trung thực bản chất của Thiên Chúa, là Tình Yêu. 

Vậy, để có một đời sống mới, một tinh thần mới, để trở nên con người mới, với một sức mạnh mới, ta cần có một quyết tâm từ bỏ con người cũ là con người ích kỷ, chỉ quan tâm lo cho bản thân mình, để mặc lấy con người mới là con người sống vị tha, sống yêu thương, sống vì tha nhân. Khi ta quyết tâm như thế, với một ý chí cương quyết, lập tức, Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, sẽ tiếp sức với ta, biến đổi ta nên con người mới. Điều quan trọng và tối cần thiết là ta phải quyết tâm từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống đời sống vị tha, sống yêu thương. 

Sau đó, «hãy để Thần Khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn» (Ep 4,23); «Hãy để cho Thiên Chúa biến hóa anh em cho tâm trí anh em đổi mới» (Rm 12,2). Nếu ta tiếp tục quảng đại, Ngài sẽ biến đổi ta một cách toàn diện, từ quan niệm, cách suy nghĩ, đến cách ăn nói, hành động để trở thành con người mới thực thụ. Có như thế, việc sống lại của Đức Giêsu mới thật sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu của ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, đã bao năm qua, con mừng Đức Giêsu phục sinh chỉ như kỷ niệm một biến cố hoàn toàn quá khứ, chẳng ăn nhập gì tới đời sống cụ thể của con. Vì thế, đã bao năm, con chẳng có gì thay đổi. Nhưng năm nay, con quyết tâm trở nên một con người mới, một con người sống vị tha, yêu thương mọi người. Xin Thánh Thần của Cha hãy biến đổi con.

Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25/06/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 49,1-6: (1b) Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. (2) Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, đã giấu tôi dưới bàn tay của Người. • Cv 13,22-26: (24) Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. (25) Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố : «Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người».
20/04/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 4,8-12: (12) Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ. • 1Ga 3,1-2: (2) Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. • TIN MỪNG: Ga 10,11-18
16/04/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 3,13-15.17-19: (15) Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. • Ga 2,1-5a: (3) Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. (4) Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. (5) Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo • TIN MỪNG: Lc 24,35-48
08/04/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 4,32-35: (33) Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. • 1Ga 5,1-6: (4) Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Nguồn mạch đức tin (5) Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? • TIN MỪNG: Ga 20,19-31
21/03/2018
Sự xuất hiện tông huấn „Amoris Laetitia“ của giáo tông Phan-sinh đã tạo nên nhiều tranh luận giữa những người công giáo. Tổng giám mục Donald Wuerl thuộc tổng giáo phận Washington giờ đây đã có được một lối áp dụng giáo huấn của tông thư, mà không gây ra những lời qua tiếng lại trong công luận.
17/03/2018
• Gr 31,31-34: (33) Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ítraen: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. • Dt 5,7-9: (8) Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; (9) và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
09/03/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • 2Sb 36,14-16.19-23: (15) Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. • Ep 2,4-10: (8) Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; (9) cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.
28/02/2018
(5 tháng Giêng Kỷ Dậu, 1789) -Vua Quang Trung đã áp dụng chiến thuật gì để chiến thắng trận Ngọc Hồi: dùng những bó rơm cuốn tròn lăn đi trước hay dùng những tấm ván để đỡ đạn? -Tại sao Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (quyển 30) và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (quyển 27) ghi chép khác nhau? -Sử nhà Thanh và sử nhà Nguyễn: bên nào chính xác hơn?
24/02/2018
1. Hai khuynh hướng tâm lý 2. Hai thứ tình yêu
15/02/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • St 9,8-15: (11) Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa. • 1Pr 3,18-22: (18) Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi của những kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. • TIN MỪNG: Mc 1,12-15 Đức Giêsu chịu cám dỗ trước khi công khai rao giảng Tin Mừng
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC