Đức Giêsu nói: Ngài đến để đem gươm giáo và chia rẽ, điều đó nghĩa là gì?

18/08/20198:24 SA(Xem: 18168)
Đức Giêsu nói: Ngài đến để đem gươm giáo và chia rẽ, điều đó nghĩa là gì?
CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 20 Thường Niên

(18-8-2019)


Đức Giêsu nói:
Ngài đến để đem gươm giáo và chia rẽ,
điều đó nghĩa là gì?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gr 38,4-6.8-10(4) Các thủ lãnh thưa với vua Xítkigiahu: «Xin ngài cho giết Giêrêmia đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ».
  Dt 12,1-4(3) Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.
•  TIN MỪNG: Lc 12,49-53
Thầy đến để gây chia rẽ

(49) Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!(50) Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.

(51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.



CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có thái độ nào khi thấy người khác suy nghĩ và hành động khác với bạn? Bạn có thường nghĩ rằng bạn đúng hơn những người nghĩ khác bạn không?

2. Bạn có ngạc nhiên khi Đức Giêsu nói rằng Ngài đến không phải để đem lại hòa bình, nhưng là đem đến gươm giáo và chia rẽ? Bạn hiểu lời ấy của Ngài thế nào?

3. Tại sao Kitô giáo lại có nhiều giáo phái khác nhau như thế? Có giáo phái nào cho rằng mình không đúng bằng giáo phái khác không?
Suy tư gợi ý:

1.  Con người với đủ mọi khác biệt và trình độ

Thế giới hay vũ trụ này được Thiên Chúa tạo dựng nên hết sức phong phú và đa dạng: đủ mọi loài mọi giống. Mỗi loài mỗi giống lại có đủ mọi hình thái, mọi kích cỡ khác nhau: chẳng hạn loài cá có thứ chỉ nhỏ bằng cây kim, có thứ to như cái nhà… Loài người thì đủ mọi thứ tính tình, khuynh hướng, trình độ khác nhau. Từ đó phát sinh đủ mọi thứ văn hóa, triết lý, thần học, tôn giáo, lập trường, chủ nghĩa, lề lối suy nghĩ khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau… 

Tuy nhiên, mọi người đều có khuynh hướng chung và tự nhiên là hướng về chân, thiện, mỹ. Ai cũng đều cảm thấy có nhu cầu và bổn phận thực hiện chân, thiện, mỹ trong đời sống của mình. Nhưng quan niệm, sự hiểu biết và mức độ gắn bó hay dấn thân cho chân, thiện, mỹ lại rất khác nhau. Và bình thường ai cũng cho rằng quan niệm của mình là đúng nhất, và mức độ gắn bó của mình là thích đáng hoặc hợp lý nhất. Chính vì thế, ai cũng khư khư giữ lấy quan điểm và lập trường của mình.

Nhưng nguyên nhân gây rắc rối, xung đột và chia rẽ là ai cũng muốn mọi người phải thống nhất với quan điểm của mình mà mình tự cho là đúng nhất, hợp lý nhất. Nhiều người tìm đủ mọi cách để áp lực người khác phải theo lập trường của mình: áp lực bằng tình cảm (thường xảy ra giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng...), bằng uy thế (dùng địa vị, bằng cấp, tuổi tác, uy tín về hiểu biết hay khôn ngoan), thậm chí bằng bạo lực (dùng cảnh sát, khủng bố, đe dọa). Nếu con người không chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng và khác biệt tự nhiên này, con người sẽ không thể hiệp nhất với nhau, sẽ phát sinh chia rẽ và xung đột nhau.

Mặc dù Thiên Chúa dựng nên con người với sự khác biệt nhau rất lớn, nhưng rất nhiều người thờ phượng Thiên Chúa vẫn không thể chấp nhận sự khác biệt mà Thiên Chúa tạo nênấy. Người ta có khuynh hướng ghét bỏ và tẩy chay những người có tư tưởng hay lối sống khác với mình. Chính Đức Giêsu và những người theo Ngài từng là nạn nhân của khuynh hướng tẩy chay dị biệt ấy.



2.  Đức Giêsu đến để đem gươm giáo và chia rẽ

Khi Đức Giêsu đến để đem chân lý cho nhân loại, Ngài đưa ra những quan niệm mới, những lập trường tư tưởng mới đúng đắn hơn quan niệm hay lập trường đang được mọi người cho là đúng nhất. Điều này khiến cho những người theo Ngài trở nên khác biệt (về tư tưởng, đời sống, về sự dấn thân) với những người còn lại vốn đã khác biệt nhau rồi. Chính vì thế, Ngài và các tông đồ Ngài đã bị những người khác, đặc biệt những người đồng đạo ghét bỏ, tẩy chay, hãm hại và thậm chí giết chết. Các Kitô hữu tiên khởi cũng bị các vua chúa và những người đồng hương bách hại.

Quả đúng như lời Ngài nói: «Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất. Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo» (Mt 10,34). Các Kitô hữu bao thế hệ, kể cả hiện nay – nhất là tại những quốc gia kỳ thị tôn giáo – cũng bị bách hại, và phải chiến đấu rất anh dũng mới có thể tồn tại và phát triển. Nhưng thật là lạ kỳ, mặc dù bị bách hại trăm bề, Kitô giáo vẫn phát triển mạnh mẽ và hiện nay đã lôi kéo được một phần ba thế giới. Đúng như lời Ngài nói trong bài Tin Mừng: «Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!» (Lc 12,49).
 
Trong một gia đình Kitô hữu gồm toàn những người mang danh theo Đức Giêsu, nếu có ai theo Chúa một cách thờ ơ, nguội lạnh, hoặc đi vào con đường tội lỗi, thì mọi người còn lại đều tìm cách nâng người ấy lên. Nếu không được thì sẽ tìm biện pháp mạnh để ép người ấy sống tốt hơn. Nhưng nếu có ai theo Đức Giêsu một cách tích cực và đúng nghĩa vượt hẳn mọi người, hoặc với một cách thức khác thường thì những người còn lại trong gia đình thường phản đối và cản trở, nghĩa là tìm cách kéo người ấy xuống mức chung của gia đình mà họ cho là mức hợp lý nhất. Thánh Alêxù (Alexis), thánh Phanxicô Khó Khăn, thánh Gioan Thiên Chúa… là những bằng chứng điển hình.

Trong các cộng đoàn Kitô hữu cũng thường xảy ra tương tự như vậy. Người theo Chúa một cách tích cực, triệt để và đúng nghĩa nhất thường bị coi là lập dị, là người bất bình thường, nếu chưa bị nói là khùng, là «mát» … Chính Đức Giêsu cũng bị người đời cho là «mất trí» (Mc 3,21). Thế là có sự chia rẽ trong nội bộ khi có người theo Chúa một cách tích cực hoặc quyết liệt. Những người này thường bị tẩy chay và sống trong cô độc, tuy nhiên họ lại lôi kéo được một số ít người theo họ. 

Những người tích cực gắn bó với chân lý, công lý và tình thương –vì thế có những tư tưởng tiến bộ hoặc thấy xa hơn người bình thường– cũng bị tẩy chay và cô lập như thế, thậm chí bởi ngay những người thân trong gia đình: cha mẹ, con cái, anh chị em mình… Đức Giêsu đã từng tiên báo số phận của họ: «Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét» (Mt 10,21-22).

Như vậy, việc triệt để theo Đức Giêsu hay theo sự đòi hỏi của chân, thiện, mỹ có thể là cớ gây chia rẽ, thù oán giữa những người cùng gia đình, cùng cộng đoàn, cùng là con dân một đất nước. Như thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dân Việt bị phân chia thành lương và giáo, và đôi bên kỳ thị hoặc nghi ngờ nhau. Khi công lý bị xâm phạm, con người bị đàn áp, xã hội tự nhiên bị phân ra thành hai khối: một số rất ít hành động theo lương tâm, theo tiếng Chúa, sẵn sàng tranh đấu sống chết cho công lý, và đa số hành động theo quyền lợi hay «nồi cơm» của mình. Số người rất ít trước thường bị số người đông đảo sau chê bai, thậm chí bách hại.



3.  Sự chia rẽ trong Kitô giáo

Chính vì lý tưởng bênh vực cho chân lý, vì lý tưởng thống nhất Giáo Hội, mà Kitô giáo hiện nay bị phân hóa một cách thê thảm thành hàng trăm giáo phái khác nhau. Giáo phái nào cũng tự hào mình theo Đức Giêsu một cách đúng đắn nhất, và tìm đủ mọi cách để bênh vực và truyền bá lập trường của mình. Từ đó sinh ra chia rẽ, thù hận nhau: tuy cùng nhận Đức Giêsu là thầy, cùng lấy Ngài làm gương mẫu, lý tưởng, nhưng họ lại không chấp nhận nhau là đồng đạo, là anh em với nhau

Người được giáo phái này rửa tội mà chuyển sang giáo phái khác thì phải chịu phép rửa tội lại theo nghi thức của giáo phái mới, làm như phép rửa tội được các Kitô hữu giáo phái khác làm là không thành sự! Như thể các Kitô hữu thuộc giáo phái khác không phải là người theo Đức Kitô! Nhiều khi giáo phái này đả phá, kết án, nói xấu giáo phái kia một cách không nhân nhượng. Nhiều giáo phái còn quả quyết là những ai ở ngoài giáo phái của mình thì không thể được cứu rỗi. Nhiều giáo phái muốn hạn chế ơn cứu rỗi và dành độc quyền được cứu rỗi cho giáo phái của mình! 

Thật đúng như trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: «Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ» (Lc 12,51). Đúng là càng muốn thống nhất, càng không chấp nhận khác biệt, càng tìm cách để mọi người nên một với mình, thì càng mất hiệp nhất! Đó là điều Đức Giêsu đã cảnh báo trong bài Tin Mừng trên để chúng ta có thể đề phòng và tránh cho cộng đoàn của mình, cho Giáo Hội và cho toàn nhân loại.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu luôn mong muốn những người theo Ngài được «nên một» (x. Ga 17,11.21-23). Ngài không muốn họ chia rẽ và xung đột lẫn nhau. Nhưng Ngài đã thấy trước và báo trước tình trạng chia rẽ và xung đột ấy. Mặc dù được báo trước như thế, những người theo Ngài vẫn không tránh được tình trạng không tốt đẹp ấy. Chỉ vì không mấy ai chấp nhận sự đa dạng và khác biệt theo luật tự nhiên mà Cha đã tạo dựng trong vũ trụ

Xin Cha cho tất cả những ai thờ phượng Cha biết tôn trọng luật tự nhiên ấy để họ có thể hiệp nhất với nhau, yêu thương nhau và coi nhau như anh chị em. Sự hiệp nhất mà Cha và Đức Giêsu muốn chính là sự hiệp nhất trong đa dạng như Giáo Hội sau công đồng Vatican II chủ trương. 

Xin cho mọi người tin Cha biết đặt nặng tinh thần yêu thương, đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn là đòi hỏi phải thống nhất với nhau về lý thuyết. Xin cho mọi người ý thức rằngsự chia rẽ giữa những người thờ phượng Cha luôn luôn là một gương xấu vô cùng lớn cho thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2024
Quan niệm về hạnh phúc mỗi tuổi mỗi khác. Tùy theo kinh nghiệm cuộc đời và sự khôn ngoan ở mỗi tuổi mà thay đổi. Điều này được diễn tả trong Thánh Kinh qua cuộc đời của Salomon.
22/07/2024
Đạo Chúa, với tinh thần tự chế, vị tha, hướng thượng, là đạo làm người. Làm người quả là khó. Làm người tử tế lại càng khó hơn. Nhưng muốn làm người thì phải thế thôi.
15/07/2024
Một đám đông trẻ em bị đánh giá là hư hỏng và bất trị, không một thầy giáo, cô giáo nào có thể kiên nhẫn tiếp tục dạy dỗ chúng. Tất cả đều đầu hàng bọn trẻ. Nhưng... cuối cùng, một cô giáo trẻ đã khuất phục được bọn chúng nhờ sự khôn ngoan đầy tình thương, đã hoàn toàn thành công trong việc biến bọn trẻ thành những đứa biết vâng phục, dễ bảo, dễ thương.
15/07/2024
Chúa Giêsu từng nói: «Cho thì có phúc hơn là nhận» (Cv 20:35). Ngài cũng nói: «Anh em từng nhận được nhưng không, thì cũng hãy cho đi nhưng không» (Mt 10:8); và «Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại» (Lc 6:38). Người cho cũng như người nhận đều vui, Nhưng người chủ động tạo ra niềm vui ấy chính là người cho. Và niềm vui của người cho bao giờ cũng cao thượng hơn.
15/07/2024
Không gì làm hại hạnh phúc gia đình và làm hai sức khỏe bằng những lời cằn nhằn, than phiền, trách móc lẫn nhau giữa hai vợ chồng trong một gia đình.
15/07/2024
Ở đời, người khó tính quá, đòi hỏi người khác nhiều quá, hay người nghiêm khắc quá thì ít người có thể làm bạn được. Hãy trở nên dễ tính hơn, dễ tha thứ hơn, ít đòi hỏi hơn, thì mình sẽ có nhiều bạn hơn.
15/07/2024
Gia tài quý giá nhất mà một người cha có thể để lại cho các con không phải là một tài sản kếch sù cho bằng những lời chỉ dạy để con cái mình sống khôn ngoan nhất, sống cao thượng, sống theo lương tâm, sống đạo đức và hữu ích cho tha nhân, cho xã hội.
15/07/2024
Cổ nhân ta thường nói: «Thất bại là mẹ thành công», hay «Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần». Rất nhiều thành công được xây dựng nên từ những kinh nghiệm rút ra được từ biết bao thất bại. Cũng vậy, sự khôn ngoan thường rút ra được từ những lần dại khờ trước đó.
11/07/2024
Giáo dục con cái là một nghệ thuật chứ không chỉ là kỹ thuật, nhất là không phải là một chính sách độc tài. Đừng nghĩ cha mẹ bảo gì thì con cái phải luôn luôn tuân hành.
25/12/2020
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 9,1-3.5-6: (3) Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, ngọn roi hà hiếp họ, Ngài đều bẻ gãy. (4) Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị Ngài đem thiêu, làm mồi cho lửa. • Tt 2,11-14: (14) Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện. • TIN MỪNG: Lc 2,1-14
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC