CHIA SẺ TIN MỪNG Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng (29-11-2020)

05/12/20209:30 SA(Xem: 6450)
CHIA SẺ TIN MỪNG Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng (29-11-2020)
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng

(29-11-2020)


Chuẩn bị ngày Chúa đến
bằng bản tính yêu thương của ta


ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 63,16b-17; 64,1.3b-8(4) Ngài đón gặp kẻ công chính vì họ sống theo đường lối Ngài chỉ dạy. Và Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con. (5) Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.
  1Cr 1,3-9(6) Lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, (7) khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.


•  TIN MỪNG: Mc 13,33-37
Phải tỉnh thức và sẵn sàng

(33) «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (34) Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (36) Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. (37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!»


CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.  Mua bảo hiểm để đề phòng rủi ro bất ngờ có phải là khôn ngoan không? Ta có bảo hiểm cho sự sống vĩnh cửu đời sau không? Bảo hiểm tránh rủi ro đời này có quan trọng bằng bảo hiểm tránh rủi ro đời sau không?
2.  Ngày Chúa đến cần được hiểu thế nào? Ngày ấy có bất ngờ không? Nếu biết ngày ấy sẽ đến bất ngờ thì ta phải chuẩn bị thế nào cho khôn ngoan?
3. Cách chuẩn bị ngày Chúa đến cách khôn ngoan nhất là gì? Có cách chuẩn bị nào vừa thường hằng suốt cuộc đời ta, vừa  lại không làm ta bị căng thẳng, hồi hộp, vì Chúa đến bất kỳ lúc nào và cách nào thì ta vẫn luôn sẵn sàng không?
Suy tư gợi ý:

1.  Sự khôn ngoan đòi hỏi phải đề phòng rủi ro đến bất ngờ

Hiện nay, các công ty bảo hiểm làm ăn rất phát đạt, vì càng ngày người ta càng cảm thấy cần thiết phải đề phòng những rủi ro bất ngờ xảy đến: bệnh tật, tai nạn, chết chóc… Có bảo hiểm, khi những rủi ro xảy đến, họ không đến nỗi bị thiệt hại vì sẽ được đền bù. Điều khiến người ta lưu tâm và phải quyết định bảo hiểm đó là tính bất ngờ của sự rủi ro. Vì nếu người ta biết trước hay dự đoán trước được chính xác ngày giờ xảy đến và xảy đến thế nào, thì gần đến ngày giờ ấy, người ta mới phải chuẩn bị đề phòng. Nhưng nếu nó xảy ra bất ngờ, và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, thì người ta phải luôn luôn đề phòng, và đề phòng không ngừng. Và lỡ có lúc nào không thể chuẩn bị hay đề phòng, thì lúc đó người ta không an tâm. Chính vì thế, người ý thức được tính bất ngờ của những rủi ro thì tìm cách mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, để tâm hồn họ luôn luôn được bình an.
Những rủi ro, và thiệt hại từ rủi ro, có tính nhất thời và có ảnh hưởng nhất thời thì con người biết lo xa, đề phòng. Nhưng thật buồn cười và phi lý thay, những rủi ro và thiệt hại to lớn hơn vô cùng, có ảnh hưởng vĩnh viễn, đời đời, thì rất nhiều người lại chẳng thèm quan tâm, chẳng đề phòng hay chuẩn bị gì cả. Lý do rất đơn giản là vì họ không nghĩ đến, hay chưa đủ tin rằng có một cuộc sống vĩnh cửu sau cái chết, và cuộc sống đó hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào đời sống ngắn ngủi hiện tại. Họ có thể tin rằng nếu công cuộc làm ăn mà họ đang tiến hành bị thất bại, thì họ sẽ lâm vào thế kẹt khoảng 10 năm, vì thế họ phải cố gắng hết sức để thành công trong cuộc làm ăn này. Nhưng họ không quan tâm bao nhiêu đến sự thành bại của cả cuộc đời họ, đến cái hậu quả hết sức bi thảm và kéo dài vô tận nếu đời sống tâm linh của họ ở đời này bị thất bại.



2.  Tính bất ngờ của ngày Chúa đến

Điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm đó là tính bất ngờ của ngày Chúa đến. «Ngày Chúa đến» ở đây có thể hiểu cách thực tế và cụ thể nhất là ngày Chúa gọi ta về với Ngài, tức ngày tận cùng của đời ta. Nếu ngày đó được ta chuẩn bị chu đáo, thì nó không có gì đáng sợ hay khủng khiếp đối với ta, vì đó là ngày mà ta bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu đầy hạnh phúc. Nhưng nếu ngày đó không được chuẩn bị tốt đẹp nên chúng ta phải ra trước tòa Chúa với một tình trạng tội lỗi, nghĩa là tâm hồn thiếu vắng tình yêu, đầy tính vị kỷ, thì ngày ấy đến với ta có thể sẽ rất khủng khiếp. Vì ta hoàn toàn chưa sẵn sàng để đối diện với sự phán xét công thẳng của Ngài. Ngày Chúa đến cũng có thể hiểu theo nghĩa lớn rộng hơn, là ngày tận cùng của toàn nhân loại, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét toàn nhân loại. 
Dù hiểu theo nghĩa nào, ngày Chúa đến vẫn là ngày bất ngờ: bất ngờ chẳng những về thời gian mà còn về cách thức nữa. Người ta chẳng những không ai biết được mình sẽ chết ngày nào giờ nào, mà ngay cả chết cách nào cũng không ai chắc chắn được. Người chết trên giường bệnh, kẻ chết ngoài đường vì tai nạn xe cộ, người chết khi đang làm việc, kẻ chết khi đang nghỉ ngơi, người chết trong tình trạng sẵn sàng ra đi, kẻ chết không nhắm mắt vì còn tiếc nuối một điều gì, người chết trong hy vọng một số phận vĩnh cửu tốt đẹp, kẻ chết trong lo sợ vì không biết số phận đời sau mình ra sao… Và cũng chẳng ai biết được ngày Chúa đến phán xét toàn nhân loại sẽ xảy ra thế nào, rất có thể khác hẳn với những gì người ta dự kiến
Kinh nghiệm khi Đức Giêsu đến lần thứ nhất cho thấy: mặc dù đã được các ngôn sứ tiên báo từ mấy trăm năm trước, nhưng khi Ngài đến thì chẳng mấy ai biết, vì họ không ngờ được Ngài lại đến theo cách ấyhoàn toàn ngoài dự kiến của họ. Giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy có ngờ trước được rằng chính họ lại là chủ mưu trong việc xúc phạm và giết chết Ngài bao giờ đâu? Họ luôn nghĩ rằng họ là người công chính nên ai phản đối họ, lên án họ thì đều là kẻ phá hoại tôn giáo và đáng giết chết! Thế mà Đức Giêsu lại là người phản đối và lên án họ nặng nề nhất! Vì cố chấp vào thành kiến của mình, nên con người thường không học được những bài học từ kinh nghiệm lịch sử!
Chính vì tính bất ngờ của cái chết mà người khôn ngoan luôn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể ra trước tòa Chúa bất kỳ lúc nào, dẫu Ngài đến dưới bất kỳ hình thức nào thường là không ngờ trước đượcPhải chuẩn bị cách nào để bất kỳ lúc nào Chúa gọi, ta cũng ở trong tình trạng đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là tâm hồn ta luôn tràn ngập tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chuẩn bị như thế chính là sống thái độ «tỉnh thức» mà Đức Giêsu đề nghị trong bài Tin Mừng này.



3.  Tỉnh thức nhưng lại phải hoàn toàn an tâm

Nếu chúng ta sống trong tâm trạng hồi hộp, lo âu đón chờ Chúa đến, thì đó không phải là cách tỉnh thức mà Đức Giêsu muốn chúng ta có. Tâm trạng hồi hộp, âu lo, sợ sệt là điều bất lợi cho tâm lý và thần kinh của ta. Ngài muốn ta tỉnh thức nhưng đồng thời lại hoàn toàn an tâm, không phải lo âu hồi hộp chút nào. Ngài muốn ta chuẩn bị trong tâm trạng bình an, vui tươi, thoải mái và hạnh phúc. Muốn chuẩn bị thế, ta cần củng cố tình yêu trong lòng chúng ta. 
Một người sống trong tâm trạng yêu thương –yêu Thiên Chúa và thương mọi người– chắc chắn là một người đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể sống mà không yêu thương. Dù yêu thương là tình trạng tâm hồn hay được thể hiện thành hành động, nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể làm bất kỳ việc gì mà không phải do yêu thương. Biến yêu thương trở thành bản tính của ta, đó là chuẩn bị ngày Chúa đến cách tốt nhất, hoàn hảo nhất. Lúc ấy yêu thương không còn là một hành động nhất thời khi thì có lúc thì không, mà là bản tính hay tâm trạng thường hằng của ta. Tất cả mọi hơi thở, mọi cử động, mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta, dù là vô tình hay hữu ý, đều thấm nhuần tình thương. Tình thương phải là phản xạ tự nhiên trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống ta. Người có bản tính yêu thương thì nói lời yêu thương hay hành động yêu thương còn dễ dàng hơn là nói lời khó nghe hay hành động vị kỷ.
Muốn có được bản tính yêu thương như thế, trước tiên ta phải giác ngộ thâm sâu rằng tha nhân chính là bản thân nối dài của ta, hay nói cách khác, tha nhân chính là «cái tôi khác» của taBất cứ điều gì ta làm cho tha nhân cũng là làm cho chính ta, và cũng là làm cho chính Thiên Chúa. Bất kỳ điều tốt đẹp nào ta làm cho tha nhân thì sự tốt đẹp ấy cũng trở về với chính ta. Và bất kỳ điều xấu ác nào ta làm cho tha nhân thì sự xấu ác ấy sớm muộn gì cũng trở về với chính ta. Vì toàn thể nhân loại chỉ là một «cái tôi» hay một thân thể duy nhất, trong đó Đức Giêsu là đầu, còn tất cả mọi người đều là chi thể (x. 1Cr 12,12-26). Cái tay mà làm cho con mắt bị mù, thì rồi cái tay sẽ bị mất hẳn năng lực của mình, chẳng còn làm được nhiều việc như xưa nữa. 
Giác ngộ được như thế rồi, ta còn phải luyện tập để sống phù hợp với sự giác ngộ ấy. Lâu dần, sự luyện tập trở thành thói quen, và thói quen được duy trì sẽ trở thành bản tính. Bản tính sẽ chi phối toàn bộ con người ta, từ quan niệm, tư tưởng, đến lời nói và hành động. Một người có bản tính là yêu thương như thế thì trở nên giống Thiên ChúaĐó chính là thánh thiện, là đạo đức đúng nghĩa nhất. Và một khi ta đã đạt được bản tính yêu thương đó, thì cả cuộc đời ta sẽ chẳng còn cần phải chuẩn bị chút nào cho ngày Chúa đến nữa, chính bản tính yêu thương của ta là sự chuẩn bị tốt đẹp nhất, chu đáo nhất cho cái ngày trọng đại ấy. Chuẩn bị như thế, chẳng bao giờ ta phải sống trong hồi hộp lo âu cả. Tâm hồn ta sẽ luôn luôn bình an và hạnh phúc.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu yêu cầu con phải tỉnh thức để khi Ngài đến thì con lúc nào cũng sẵn sàng trong tình trạng tốt đẹp. Nhưng lúc nào cũng tỉnh thức thì sẽ làm con dễ mệt mỏi và căng thẳng. Con nghĩ ra một cách tỉnh thức mà không bị mệt mỏi, đó là làm sao để bản tính của con giống như bản tính của Cha, đó là bản tính yêu thương. Nghĩa là yêu thương không chỉ còn là những hành động nhất thời lúc có lúc không, mà là một tâm trạng, một thái độ thường hằng in sâu trong bản chất của con. Chuẩn bị một lần thay cho tất cả, thì con sẽ chẳng phải sống trong tình trạng căng thẳng của sự tỉnh thức chuẩn bị. Và đó chính là cách tỉnh thức tốt nhất. Xin Cha giúp con chuẩn bị ngày Ngài đến theo cách ấy.

Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 53, 10-11: (10) Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. (11) Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. • Dt 4, 14-16: (15) Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.
13/10/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Kn 7,7-11: (8) Tôi đã quý trọng đức Khôn Ngoan hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. (11) Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể. • Dt 4,12-13: (12) Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
23/09/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Kn 2,12.17-20: (18) Nếu kẻ công chính kia là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. (19) Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó (…) (20) kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm. • Gc 3,16–4,3: (17) Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. • TIN MỪNG: Mc 9,30-37
17/09/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 50,5-9a: (7) Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, tôi đã không hổ thẹn (...) (8) Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? (...) (9) Này có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? • Gc 2,14-18: (14) Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?(17) Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. • TIN MỪNG: Mc 8,27-35
08/09/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 35,4-7a: (4) Hãy nói với những kẻ nhát gan: «Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày Thiên Chúa báo phục, ngày thưởng công, phạt tội. Người sẽ đến cứu anh em». (5) Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. • Gc 2,1-5: (3) Nếu anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: «Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này», còn với người nghèo, anh em lại nói: «Đứng đó!» hoặc: «Ngồi dưới bệ chân tôi đây!», (4) thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?
26/08/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Gs 24,1-2a.15-17.18b: (2) Ông Giôsuê nói với toàn dân: (15) «Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa». (16) Dân đáp lại: (18) «Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi». • Ep 5,21-32: (22) Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa. (25) Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.
19/08/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Cn 9,1-6: Đức Khôn Ngoan bảo: (5) «Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! (6) Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết. • Ep 5,15-20: (18) Hãy thấm nhuần Thần Khí.(19) Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa • TIN MỪNG: Ga 6,51-58
05/08/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Đn 7,9-10.13-14: (9) Tôi đang nhìn thì thấy những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết [...]. (13) có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. (14) Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; […] Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong. • 2Pr 1-16-19: (16) Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người.
30/07/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • 2V 4,42-44: (42) (Với hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm) ông Êlisa nói: «Phát cho người ta ăn». (43) Tiểu đồng hỏi: «Có bằng này, sao phát cho cả trăm người ăn được?» Ông bảo: «Cứ phát đi! Vì Đức Chúa phán: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư». (44) Tiểu đồng phát cho họ ăn mà vẫn còn dư. • Ep 4,1-6: (1) Là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. • TIN MỪNG: Ga 6,1-15
25/06/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 49,1-6: (1b) Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. (2) Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, đã giấu tôi dưới bàn tay của Người. • Cv 13,22-26: (24) Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. (25) Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố : «Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người».
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC