Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948)

03/12/20233:15 CH(Xem: 4724)
Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948)

Không chỉ riêng các cựu học sinh hai trường Hồ Ngọc Cẩn Bùi Chu (miền Bắc VN trước 1954) và trường Hồ Ngọc Cẩn Gia Định (từ 1954 đến 1975) mà cả hàng triệu người Công Giáo cũng như nhân sĩ, trí thức và đồng bào từ Bắc chí Nam đã biết đến nhà đạo đức kiêm văn hóa giáo dục của tiền bán thế kỷ 20: Đức Giám Mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948). Ngài đã viết cả trăm quyển sách trong đó có hơn 30 tác phẩm lớn trước tác, dịch thuật thuộc đủ mọi thể loại từ văn chương, triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức... sách giáo khoa, toán học, sinh ngữ, cổ ngữ v.v... đến các loại tự điển Pháp, Hán, La Tinh... Đó là chưa kể các bài báo ngài viết dưới nhiều bút hiệu như Ngô Ký Ẩn, Ngô Tri Dược, Ngô Ký Vãng, Ngô Tri Lễ, Hồ Ngọc Cẩn v.v... đăng trên các báo xuất bản từ Bắc chí Nam như Nam Kỳ Địa Phận (xuất bản tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19), báo Vì Chúa (xuất bản tại Huế từ 1933), bán nguyệt san Đa Minh (xuất bản tại Bùi Chu khoảng 1936) v.v... Ngài đã xây dựng nhiều trường học, tu viện, chủng viện, bệnh viện, cô nhi viện, lập nhà in, nhà xuất bản và tổ chức ra nhiều hội đoàn Công Giáo... Đã một thời, ngài được xem là nhà thông thái của 3 nước Đông Dương (Việt, Miên, Lào) của tiền bán thế kỷ 20, các Linh Mục người Âu cũng phải kiêng nể.

Thể theo lời yêu cầu của một số cựu giáo sư và cựu học sinh trường Hồ Ngọc Cẩn, và với sự trợ giúp của Giáo Sư Lê Ngọc Bích, người bạn cùng lớp hiện còn ở lại Việt Nam, chúng tôi xin ghi lại một vài nét về Đức Giám Mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, một nhà văn hóa giáo dục lớn của Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 để ghi nhớ công ơn ngài và cũng để kỷ niệm những năm dạy học tại trường Hồ Ngọc Cẩn Gia Định trước 30-4-1975.

 

Hồ Ngọc Ca: mồ côi cha, lớn lên nhờ quê mẹ

Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 3 tháng 12 năm 1876 (18 tháng 10 Âm lịch năm Bính Tý) tại xứ đạo Ba Châu (làng Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên). Cha là Giuse Hồ Ngọc Thi (làm nghề dạy học và thầy thuốc), mẹ là Anna Nguyễn Thị Đào (người làng Trường An thuộc giáo xứ Thợ Đúc, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên). Ông bà sinh được hai người con trai đặt tên là Hồ Ngọc Ca và Hồ Ngọc Vịnh. Hồ Ngọc Ca về sau đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn. Cha mất sớm, mẹ đưa hai con về quê ngoại sinh sống.

Về nguồn gốc của ngài, nhiều người cho biết quê nội của ngài họ Lê ở làng Cổ Thành, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sau vụ bắt đạo dưới thời Tự Đức, nhất là sau vụ Văn Thân vào tháng 9- 1885, bà cô ruột của ngài bị chết tại nhà thờ Trí Bưu, Hải Lăng, Quảng Trị, vì hoàn cảnh đặc biệt, phải đổi ra họ Hồ và dòng họ bỏ quê hương Quảng Trị vào vào lập nghiệp ở Thừa Thiên. Thiếu thời, ngài ở với ông Bác và đi chăn trâu. Một hôm, bà cô ruột cùng với người con trai của bà đến thăm, gặp ngài tại nhà ông bác. Lúc bấy giờ người con trai của bà cô chuẩn bị vào Tiểu Chủng Viện nên bà cô hỏi ngài có muốn vào tu học cùng với người anh em nầy không? Ngài rất thích thú nhưng nghĩ lại mình quá nghèo, không có tiền sắm áo quần, sách vở...Bà cô rất hiểu hoàn cảnh đó, liền xin với ông bác cho ngài đi theo bà. Bà nầy đã nuôi ngài, giúp đỡ ngài cho đến khi ngài đã chịu chức Linh Mục và làm Bề Trên Dòng Thánh Tâm Huế, bà cô vẫn ở với ngài. Sau khi ngài được chọn làm Giám Mục Bùi Chu và ra Bắc nhậm chức thì bà cô mới trở về quê với con cháu. Phần lý lịch của ngài trên đây do một người cháu nội của bà cô nầy (tên là Kiểu) đã kể lại cho người viết. Khi ngài chịu chức Giám Mục thì người làng Cổ Thành có cử một phái đoàn vào Tòa Giám Mục Huế chúc mừng và mang theo gia phả của dòng họ Lê để nhận bà con. Nhưng ngài chỉ vui vẻ mời tất cả mọi người vào dự tiệc mà không nhắc gì đến chuyện quá khứ.

Đi tu lúc 13 tuổi: Chăm học, học giỏi

LM Phanxicô Xavie Trương Văn Thường, cha xứ Trường An, là người đã giới thiệu cậu Hồ Ngọc Ca (Cẩn) vào tu học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng, Quảng Trị). Khi thi nhập học, cậu Hồ Ngọc Ca đã không đủ điểm. May nhờ Cha Thường xin với Linh Mục giám khảo (cha Izarn: Ý) và LM Giám Đốc Tiểu Chủng Viện (Cha Girard) cho cậu vào học thử vài tháng. Chú Ca đã tiến bộ vượt bực, chỉ trong vài tháng đã theo kịp chúng bạn và những năm sau đó đều dẫn đầu lớp. Chương trình tại Tiểu Chủng Viện là 8 năm mà Hồ Ngọc Ca chỉ học trong 6 năm là xong! Các Linh Mục cùng thời với ngài đã kể lại rằng tất cả những sách vở trong thư viện, Hồ Ngọc Ca đều đọc hết. Chú Ca còn tự học thêm về sinh ngữ, cổ ngữ và các môn khoa học thường thức khác. Sau khi Cha Thường qua đời (1891) thì LM Allys (tức Cố Lý, cha xứ Phủ Cam) nhận chú Hồ Ngọc Ca làm nghĩa tử. Cha Allys người Pháp về sau làm Giám Mục Huế (thường gọi là Đức Cha Lý).

Hồ Ngọc Ca đổi tên: Linh mục Hồ Ngọc Cẩn

Hồ Ngọc Ca học ở Tiểu Chủng Viện từ 1889 đến 1896. Vào Đại Chủng Viện Phú Xuân ngày 5 tháng 8 năm 1896(*). Chịu phép cắt tóc ngày 17-12-1896, chịu bốn chức nhỏ ngày 23-12-1899. Chịu chức Năm ngày 22-12-1900. Chịu chức Sáu ngày 22-2-1902. Chịu chức Linh Mục ngày 21-12-1902 lúc mới 26 tuổi. Trước ngày chịu chức Linh Mục, Thầy Hồ Ngọc Ca xin đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn.

Từ 3 tháng 11 năm 1903, ngài làm cha Phó ở Kẻ Văn (Quảng Trị) với Cha Gilbert (Cố Quý) và từ 8-8-1907 làm phó cho Cha Antôn Marillebau (Cố Nhiệm) cũng ở giáo xứ Kẻ Văn.

Ngày 3-11-1907, làm cha xứ ở họ Kẻ Hạc (Vạn Lộc) thuộc tỉnh Quảng Bình.

Người Việt Nam đầu tiên làm giáo sư chủng viện

Tháng 9-1910 làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện An Ninh là một giáo sư người Việt Nam đầu tiên. Trước đó, các giáo sư toàn là người Âu Châu. Ngài dạy các môn La Tinh, Pháp, Toán, Việt với một phương pháp sư phạm rất tiến bộ, dễ hiểu, dễ nhớ, trình bày rất rõ ràng, sáng sủa khiến cho học trò rất thích thú.

Bề trên tiên khởi dòng Thánh Tâm

Năm 1923 Đức Cha Allys xin phép Tòa Thánh lập Dòng Thánh Tâm, trụ sở tại Trường An (thuộc giáo xứ Thợ Đúc, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên). Năm 1924, sau khi cơ sở nhà Dòng được xây cất xong, Cha Hồ Ngọc Cẩn được cử làm Bề Trên tiên khởi của Dòng này. Trên 10 năm điều khiển Dòng này, Cha Hồ Ngọc Cẩn đã xây dựng được 4 trường tiểu học (Trường An, Phủ Cam, Kim Long, Lại Ân) và mở nhà in “Thánh Tâm” (lúc đầu gọi là Trường An ấn quán) để in sách báo, tài liệu Công Giáo của Giáo Phận Huế. Cụ Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), Thượng Thư hưu trí đã dâng cúng bức vườn và nhà cửa để lập cơ sở này. Các Cha Nguyễn Văn Thích (Phó Bề trên Dòng) và Cha Ngô Đình Thục (giáo sư) đã giúp Cha Hồ Ngọc Cẩn xây dựng Dòng này.

Giám mục Việt Nam đầu tiên của Giáo phận Bùi Chu

Lúc bấy giờ Đức Cha Munagorri (Giám Mục thứ 14 của GP Bùi Chu, người Tây Ban Nha) đã già yếu, không thể làm việc được nữa, ngài thường ở Khoái Đồng, thành phố Nam Định với LM Casado (Cố Thuận) chứ không ở Tòa Giám Mục. Ngài đề nghị cử LM Hoàng Gia Huệ, chánh xứ Ninh Cường làm Giám Mục Phó. Nhưng Đức Khâm Sứ Tòa Thánh là Đức Cha Columban Dreyer ở Huế, sau khi đã tham khảo ý kiến nhiều người, liền viết tờ trình lên Đức Thánh Cha Piô XI đề nghị cử LM Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn làm Giám Mục Phó Bùi Chu với quyền kế vị và được Tòa Thánh chấp thuận.

Lễ tấn phong được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Huế ngày 29-3-1935 do Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Columban Dreyer chủ lễ và hai Giám Mục Chabanon (Đức Cha Giáo ở Huế) và Đức Cha Nguyễn Bá Tòng (Phát Diệm) phụ phong. Tân Giám Mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn hiệu tòa Zenobis chọn khẩu hiệu: “Hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn”. Ngài đã nhờ cụ Tôn Thất Sa (1882-1980), một giáo sư hội họa ở Huế vẽ huy hiệu hình thuẫn, giữa là Thánh Tâm Chúa Giêsu chiếu ánh sáng ra hai bên, một bên là sông Hương núi Ngự, một bên là nhà thờ Bùi Chu, phía dưới là cuốn sách với tràng hạt mân Côi.

Ngày 17-5-1936, Đức Giám Mục Pedro Munagorri chính thức trao quyền cai quản giáo phận cho Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn và một tháng sau, ngài mất. Theo Sắc Lệnh của Tòa Thánh ngày 9-3-1936 hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên được tách ra để thành lập giáo phận mới Thái Bình nên giáo phận Bùi Chu chỉ còn lại phần đất thuộc tỉnh Bùi Chu và một phần của tỉnh Nam Định.

Giám mục chủ trương nói tiếng Việt

Thời bấy giờ người ta thích nói tiếng Pháp hoặc tiếng La Tinh, ngay cả khi không có sự hiện diện của người ngoại quốc. Nhưng Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn thì chủ trương nói tiếng Việt, đi đâu cũng nói tiếng Việt, ngay cả khi phát biểu trong các hội nghị quốc tế.

Ngày 1 tháng 8 năm 1935, đoàn xe khởi hành từ Huế đưa Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn ra Bùi Chu, trong bữa tiệc mừng, LM Gallego (Cố Nam) đọc chúc từ bằng tiếng Pháp kể công lao 300 năm truyền giáo của Dòng Đa Minh... Đức Cha Hồ Học Cẩn, xin phép được đáp từ bằng tiếng Việt. Khi ngài đến thăm Chủng Viện Ninh Cường và Đại Chủng Viện Nam Định, các Thầy đọc bài chúc mừng bằng tiếng La Tinh, ngài đáp từ bằng tiếng Việt. Ngài nói: “Là người Việt Nam cả, nói bằng tiếng mẹ đẻ cho nó thân tình”. Năm 1937, ngài tham dự Đại Hội Thánh thể tổ chức tại Manila (Phi Luật Tân) với sự hiện diện của hàng trăm Giám Mục đủ mọi quốc tịch. Thông thường thì các Giám Mục Việt Nam phát biểu bằng tiếng Pháp vì thời đó nước ta thuộc quyền cai trị của người Pháp. Nhưng Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn lại phát biểu bằng tiếng Việt, làm cho mọi người rất ngạc nhiên. Báo Nam Kỳ Địa Phận số 1148 ra ngày 8 tháng 4 năm 1937 có đăng bài phát biểu này.

Giám mục có nhiều sáng kiến, chủ trương cải cách và dân chủ

Sau khi nhận giáo phận, ngài cải tổ lại các chủng viện, dân chủ hóa bằng cách tham khảo ý kiến của các Linh Mục (bằng thư) trước khi bổ nhiệm một vị nào vào hàng lãnh đạo trong giáo phận, một loạt các quản hạt mới được đề cử thay thế các vị cũ. Ngài thường nói với các cha: “linh mục và giám mục là anh em như thể tay chân”. Ngài đích thân giảng cấm phòng hàng năm cho các linh mục trong giáo phận suốt 12 năm. Ngài chú trọng đào tạo nhân tài cho tương lai, một số thầy được cho đi du học sau này là các linh mục danh tiếng như LM Trần Văn Hiến Minh, LM Lâm Quang Trọng, LM Vũ Đức Trinh... Ngài xin phép Tòa Thánh lập Đại Chủng Viện Quần Phương riêng cho giáo phận Bùi Chu để sinh viên khỏi qua Nam Định học... và đã được Tòa Thánh chấp thuận (khai giảng 1940). Ngài lập ra Dòng Nữ Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu (vận động từ năm 1940 đến 1946 mới được Tòa Thánh chấp thuận). Ngài lập ra trường Trung Linh, mời các Sư huynh Dòng La San về dạy.  Ngài thành lập bệnh viện Thánh Tâm Bùi Chu, cô nhi viện (Sở Dục Anh, Sở Cô Nhi) ở Bùi Chu. Ngài thân hành chăm sóc tận tay cơm nước cho các cô nhi. Nạn đói năm 1945, những vùng hỏa hoạn, thiên tai, bão lụt như Kiên Chính, Quần Liêu, Chung Lao, Bắc Ninh, ngài đem hết lúa gạo của Nhà Chung ra giúp cho dân. Ngài hô hào bài trừ tệ đoan xã hội, bãi bỏ những hủ tục, cờ bạc rượu chè... Ngài thành lập các hội đoàn thiếu nhi, thanh niên và người lớn tuổi, hội Tông Đồ Cầu Nguyện (1938), Thanh Niên Công Giáo Nước Nam (họp đại hội tại Phú Nhai năm 1938 quy tụ trên 10,000 đoàn viên), Dòng Ba Đa Minh, Ban Truyền Giáo Địa Phận...

Nhà văn hóa, giáo dục

Ngài là một nhà thông thái tại Đông Dương (Việt, Miên, Lào) thời bấy giờ. Cách đây hơn 100 năm mà ngài đã viết sách, viết báo, làm tự điển, soạn sách dạy về khoa học. Đặc biệt, ngài sưu tầm những kinh do các linh mục xưa đặt ra, không có in trong sách kinh thông thường (sách Nhựt khóa) như: “Phép lần hột Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu”, “Dọn mình trước và cám ơn sau khi rước lễ”, “sách Tháng Đức Bà” (từ chữ Nôm chuyển qua chữ quốc ngữ), biên soạn sách “Tháng Ông Thánh Giuse” và “Tháng Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu” (theo kiểu sách Tháng Đức Bà). Sách “Vãn Sinh Nhựt” do đời xưa để lại viết bằng chữ Nôm (ngài chuyển qua quốc ngữ và cho in để phổ biến). Ngài làm ra sách “Cha mẹ dạy con”.  Ngài đã biên soạn cuốn “Văn chương thi phú” sao lục nhiều thơ văn của nhiều tác giả (trong đó cũng có thơ của Hồ Xuân Hương) mục đích để cho các trường Công Giáo học văn chương tiếng Việt. Ngài cũng đã chọn những bài văn hay để in chung thành sách “Tân Văn” làm sách đọc (cho học sinh và người lớn). Ngài có tài làm thơ, viết văn, diễn thuyết, có khi cao hứng thì đọc cả bài thơ lục bát thật dài... Ngài cũng mở ra một khoa sư phạm mới khi dạy học. Ngài rất thích dạy học và giảng giải bình dân, dễ hiểu nên học trò rất thích nhất là các môn Triết Học, Thần Học, Giáo Lý... ngài giảng giải rất rõ ràng. Ngài giỏi cả Hán văn, Pháp văn, La tinh, đọc sách, đọc báo nhiều nên kiến thức của ngài rất uyên bác. Ngài dạy các môn Việt, Pháp, La Tinh, Toán, Khoa Học trong các lớp Trung Học (Tiểu Chủng Viện) và các môn Triết Học, Thần Học, La Tinh (tại Đại Chủng Viện) ... Cụ Phan Bội Châu khi đọc bài: “Luận về câu: Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn đã khen: “Văn chương như chém sắt, chặt đanh”. Từ khi còn là linh mục, ở xứ nào, ngài cũng đem lại cho dân chúng một nếp sống mới, một không khí hoạt động, tươi vui, chăm lo việc học hành cho trẻ em, nâng cao dân trí... Thời trước trong các nhà tu ít chú trọng đến các môn khoa học, toán, văn chương Việt Nam, sinh ngữ... Chính ngài đã đưa chương trình học các môn nói trên vào trong các chủng viện, tu viện...

Giây phút cuối

Ngoài 70 tuổi, nhưng ngài vẫn làm việc như một người sức khỏe bình thường, viết sách, soạn bài, giảng dạy, đi lại thăm viếng các nơi. Mùa Đông năm 1948 (Mậu Tý) miền Bắc rét lạnh khác thường, ngài bị bệnh suyễn đang thời chiến tranh đi lại khó khăn, thuốc men thiếu thốn, ngài phải tự tìm cách chữa trị lấy, phương tiện rất giới hạn. Đức Cha Nguyễn Bá Tòng lúc bấy giờ đã nghỉ hưu, nghe tin ngài bệnh nặng đã đến thăm vào sáng 26-11-1948 thấy ngài còn tỉnh táo.  Ngài đã chịu phép Xức Dầu Thánh dọn mình chết. Nhưng đến chiều thì ngài bị té xỉu rồi dần dần đi vào cơn mê. Gần nửa đêm thì ngài tỉnh lại và cùng các Linh Mục đọc kinh “Phó thác linh hồn” bằng tiếng La Tinh. Quá nửa đêm, ngài qua đời một cách nhẹ nhàng. Lúc đó là 0 giờ 27 phút khởi đầu ngày 27 tháng 11 năm 1948.

Đức Giám Mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn với 46 năm Linh Mục và 13 năm Giám Mục.

Hưởng thọ 72 tuổi.

Lễ an táng cử hành vào sáng 30-11-1948, tháng đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn người quá cố. Ngài được an táng bên trong nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Đoàn người đi theo quan tài dài đến 5 cây số, ngoài những giáo dân Công Giáo còn có rất nhiều học trò và phụ huynh người bên lương, đặc biệt có Thượng Tọa Thích Bảo Long đại diện Phật giáo.

Sau khi ngài qua đời, chính quyền quốc gia tỉnh Bùi Chu (miền Bắc) đã lấy tên ngài đặt tên trường Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu). Năm 1954, trường di cư vào Nam lấy tên là Trung Học Hồ Ngọc Cẩn Gia Định (trường Công Lập) và do các linh mục điều khiển. Sau ngày 01-11-1963, các linh mục rút lui và trường được chuyển giao cho các giáo sư công lập điều khiển với cụ Nguyễn Văn Hiếu làm hiệu trưởng. Sau ngày 30-4-1975, trường đổi tên là trường Nguyễn Đình Chiểu. Chế độ Cộng Sản VN chủ trương xóa tên Hồ Ngọc Cẩn vì ngài là một nhân vật tôn giáo. Nhưng nhóm cựu học sinh, cựu giáo sư trường Hồ Ngọc Cẩn trong nước cũng như hải ngoại vẫn còn nhớ tên trường cũ của mình (Bùi Chu trước 1954 và Gia Định trước 1975) nên vẫn liên lạc với nhau dưới danh nghĩa Hội Cựu Học Sinh trường Hồ Ngọc Cẩn.

Xin cám ơn Giáo Sư Lê Ngọc Bích (VN) đã giúp cho chúng tôi các tài liệu về Đức Giám Mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn để viết bài này.

Nguyễn Lý-Tưởng

(Cựu Giáo sư trường Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định 1971-1975)

(*) Chú thích: Theo GS Lê Ngọc Bích, Thầy Hồ Ngọc Ca vào Đại Chủng Viện ngày 5-5-1896. Chúng tôi theo tài liệu của Tòa TGM Huế: 05-8-1896.

Phụ Lục: Một số tác phẩm của Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn còn lưu lại:

1.         Văn phạm La Tinh (02 cuốn)

2.         văn phạm tiếng Pháp (02 cuốn). Hai cuốn sách này được biên soạn khúc chiết, rõ ràng, dễ nhớ, dễ học, được giải thưởng của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh.

3.         Mẹo tiếng An Nam (tức Văn phạm chữ Quốc ngữ) (2 cuốn)

4.         Toán pháp (02 cuốn)

5.         Hán tự quy giảng (Văn phạm Hán văn)

6.         Thường đàm nhật dụng, văn khế đơn tự.

7.         Luận Quốc văn (02 cuốn)

8.         Pháp tự khúc ca

9.         Tán nữ khúc ca

10.       Ngạn nhữ kinh thơ

11.       Hán Việt thường đàm (nhà in Trường An Huế, 1942)

12.       Văn chương thi phú An Nam (in lần thứ hai, nhà in Truyền giáo hải ngoại, Hồng Kong, 1923). Tác phẩm đã được cụ Phan Bội Châu khen ngợi.

13.       Con muốn ở nhà Đức Chúa Trời (In lần thứ ba, Hồng Kông, nhà in Nazareth, 1930)

14.       Tu viện trinh nữ.

15.       Tu phân minh cảnh

16.       Tu sĩ thần lương

17.       Giúp Linh Mục cấm phòng (nhà in Bùi Chu, 1938)

18.       Tháng Trái Tim Chúa Giêsu

19.       Tháng Đức Bà, tháng Thánh Giuse

20.       Gẫm quanh năm (dịch, 5 cuốn)

21.       Phước họa thị phi (3 cuốn)

22.       Tuồng (Bảy Mối)

23.       Truy tầm chân đạo (nhà in Thánh gia Bùi Chu, 1951)

24.       Sách cha mẹ dạy con

25.       Thận chung truy viễn

26.       Giáo nhơn hành thiện

27.       Triết nhơn tri kỷ

28.       Quê ta ở đâu?

29.       Bổn Đồng ấu (sách giáo lý cho thiếu nhi)

30.       Tháng giáo thuyết minh (sách giáo lý cho người lớn)

 

Tài liệu tham khảo:

1.         Tiểu sử các Linh Mục giáo phận Huế (Tòa TGM Huế) 1992

2.         Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Giám Mục Bùi Chu (LM Phạm Châu Diên, 1990)

3.         Nhân Vật Giáo Phận Huế (Lê Ngọc Bích, 2000)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04/12/2024
Người Mỹ thường nói: «Men make houses, women make homes» (Đàn ông xây nhà, đàn bà biến nhà thành tổ ấm). Nếu chiếu theo câu này, gia đình mà được ấm êm hạnh phúc thì chủ yếu là do tình yêu hy sinh và sự khéo léo cư xử của người vợ. Là phụ nữ, bạn hãy hãnh diện vì tầm quan trọng của mình đối với hạnh phúc gia đình, nhưng đồng thời cũng hãy ý thức bổn phận hàng đầu của mình trong việc gây dựng hạnh phúc gia đình.
14/11/2024
Sinh hoạt khoá mùa Thu của Cơ Sở diễn ra từ ngày 18-20.10.2024 tại Ginsheim, một địa điểm tại miền trung nước Đức. Đây là dịp trước hết để chúng tôi gặp lại nhau sau bao tháng ngày xa cách, sống với nhau một cuối tuần trong tình huynh đệ, và sau đó để cùng nhau học hỏi theo tinh thần của Phong Trào.
20/10/2024
Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc thuyết trình trong buổi sinh của Cơ Sở Tống Viết Bường, Đức Quốc vào tháng 10 năm 2024
17/10/2024
Cuộc sống hôn nhân những năm đầu sao đẹp thế! Hai vợ chồng hòa hợp với nhau một cách dễ dàng, họ sẵn sàng nhường nhau, tôn trọng ý kiến và suy nghĩ của nhau. Nhưng không hiểu vì sao, sống với nhau lâu, họ không còn làm được như vậy nữa, khiến đời sống chung trở nên nặng nề, khó chịu, đến nỗi họ quyết định chia tay để lập gia đình với một người khác. Nhưng rồi đôi vợ chồng mới cũng lập lại quá trình cũ: những năm đầu thì… nhường nhau dễ dàng, nhưng những năm sau thì… sao mà khó chịu đựng nhau đến thế!
13/10/2024
Mọi chế độ độc tài trên thế giới đều phát sinh từ não trạng hay tâm thức độc đoán, luôn luôn cho mình là đúng, và khác với mình là sai. Và tâm thức ấy cũng là nguyên nhân của tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết. Trong lãnh vực tâm linh tôn giáo, sự khác biệt tư tưởng hay niềm tin là chuyện tự nhiên, nhưng chính não trạng chỉ cho mình là đúng và khác với mình là sai đã khiến phát sinh sự chia rẽ, mất hiệp nhất. Vậy não trạng độc đoán ấy có nên duy trì không?
05/10/2024
Rất nhiều gia đình ai nhìn vào cũng tưởng họ rất hạnh phúc. Nhưng... người chồng tưởng mình cung cấp đủ mọi nhu cầu vật chất cho vợ thì vợ mình phải là hạnh phúc lắm, thật ra người vợ cảm thấy mình không được chồng yêu thương nên chán chường. Ngược lại có những người vợ hết lòng phục vụ chồng, lo lắng thật chu đáo cho chồng, những tưởng chồng mình hạnh phúc, ai ngờ...
26/09/2024
Kính mời quý thân hữu và đồng hương đến tham dự buổi BUỔI TÂM TÌNH với Linh Mục NGUYỄN HỮU LỄ đến từ New Zealand, để ký tặng Bút Ký I MUST LIVE - TÔI PHẢI SỐNG, bản Anh Ngữ do nhà xuất bản Austin Macauley Publishers phát hành. Sẽ được tổ chức vào lúc 5 giờ chiều, Chúa Nhật, 6 tháng 10 năm 2024 tại hội trường Giáo xứ Đức Mẹ Fatima (5109 E Lancaster Ave, Fort Worth, TX 76112, Tel. 817-446-4114)
25/09/2024
Trong Tin Mừng, có những câu chuyện làm chúng ta phải suy nghĩ và thay đổi trong cách nhìn và đánh giá người, chẳng hạn chuyện 2 người vào đền thờ cầu nguyện (Lc 18:9-14), chuyện người Samari nhân hậu (Lc 10:29-37), và cả câu chuyện này nữa. Qua đó, chúng ta dễ hiểu lời của Chúa Giêsu nói với «các thượng tế và kỳ mục trong dân» (Mt 21:23) rằng «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21:31).
24/09/2024
Để những người muốn tìm hiểu Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại có thể tìm hiểu, gặp gỡ những đoàn viên của Phong trào và cảm nghiệm được bầu khí sinh hoạt của Phong trào, PTGD tổ chức những buổi gặp mặt định kỳ qua Zoom. Xin mời Quý độc giả tham gia.
13/09/2024
Lời cảm ơn tuy ngắn, nhưng nó nói lên được không chỉ lòng biết ơn, mà phần nào cho thấy sự cao thượng, lương tâm của người nói nó. Lời cảm ơn chân thật thì xuất phát từ lòng biết ơn thật sự. Trong suốt đời sống của ta, ngày nào ta cũng nhận được biết điều tốt đẹp từ Thượng Đế, từ cha mẹ. anh chị em, bạn bè hay từ bất cứ người nào mà ta không nên quên cảm ơn.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC