Cầu Chúc Giáng Sinh
Quý Anh Chị Đoàn Viên và Thân hữu của Phong Trào,
Tập đoàn Tata có trụ sở ở Mumbai là một trong những tập đoàn kĩ nghệ hỗn hợp lớn nhất tại Ấn-độ, gồm khoảng ba mươi công ti sản xuất đủ thứ, từ xe hơi, sắt thép cho tới cà-phê, trà. Đại công ti được thành lập năm 1868, và chủ nhân của nó, gia đình Tata, đã có một đường lối mà tôi gọi là „chủ nghĩa tư bản nhân hậu“. Giòng họ Tata chủ trương sống thanh bần, không theo lối sống của các vua chúa. Hàng năm họ dành một phần thu nhập riêng của mình và của công ti để giúp những người nghèo nhất ở Ấn. Họ yểm trợ các dự án tạo nước sạch, mở rộng giáo dục và nâng cao cuộc sống của giới nông dân nghèo. Trong thành phố Jamhedpur, nơi nhánh công ti sản xuất thép của họ đặt bản doanh, những công nhân của tập đoàn Tata được cung cấp gần như hết mọi thứ. Một quản trị gia của công ti đã có lần diễu cợt: „Họ (các công nhân của công ti) chỉ phải mang theo một thứ mà thôi, đó là một bà vợ!“ Tata không chỉ cung cấp cho họ nhà ở với sẵn mạng lưới truyền thông và xe hơi; Tata còn xây luôn các cơ sổ công quyền, điều hành bệnh viện và sở thú tại địa phương.
Giòng họ Tata là những tín đồ của đạo Zarathustra, một tôn giáo cổ, xuất phát từ miền đông nước Iran. Từ thế kỉ thứ 7 sau công nguyên, tôn giáo này càng ngày càng bị áp chế và truy nã bởi các lãnh chúa thuộc một tôn giáo khác, nên các tín đồ Zarathustra theo nhau bỏ quê đi tìm đất sống mới. Một trong những con thuyền tị nạn của họ dạt vào bờ biển miền tây Ấn-độ và họ đã xin được ngụ lại ở đây.
Trong hôm yết kiến vua Ấn để xin tị nạn, nhà Vua chỉ vào một li đầy nước trên bàn và nói: „Các ông xem đó, vương quốc của tôi đã đầy rồi, như li nước đó; chẳng còn chỗ cho các ông nữa.“ Vi đại diện của phái đoàn Zarathustra liền cầm lấy chiếc muỗng trên bàn múc một thìa đường đổ vào li nước, mà rằng: „Thưa ngài, ngài thấy đó, đường đã hoà tan vào nước và làm cho li nước trở nên ngọt. Thì dân chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng sẽ hoà nhập vào dân của ngài và làm cộng đồng dân ngài trở nên ngọt ngào.“
Nhà Vua hiểu ra, và cho họ ở lại. Và từ đó sự hiện diện của nhóm tín đồ Zarathustra đã làm ngọt cộng đồng dân Ấn.
Ai nghe được câu truyện đầy ấn tượng này đều không khỏi bật cười về chuyện làm ngọt nước. Nhưng đây không phải chỉ là một câu truyện. Mà í nghĩa của nó càng trở nên sâu xa trong hoàn cảnh hiện nay. Nhiều người cũng suy nghĩ như ông Vua Ấn, khi phải đối diện với những người tị nạn, những người nghèo, khác tôn giáo, khác sắc tộc với mình.
Tại sao chúng ta không thể đơn giản chấp nhận việc một chút đường hay một chút gia vị có thể sẽ làm cho một cộng đoàn tốt đẹp hơn?
Nhưng câu truyện này cũng đồng thời nhắc nhở rằng, chính mỗi người chúng ta cũng phải đóng góp cho li nước. Mỗi chúng ta phải trở nên một hạt đường làm ngọt li nước. (Trích: Arun Gandhi, „Giận Giữ Là Một Món Quà – Di Chúc Của Ông Nội Tôi Mahatma Gandhi“.)
Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa Giáng Sinh giúp cho ta có được một chút tinh thần của tập đoàn Tata, để chúng ta trở thành viên đường làm ngọt xã hội quanh mình và hàn gắn lại những đổ vỡ và mất mát do dịch bệnh cũng như nạn âm mưu tin giả hiện nay gây ra.
Augsburg, ngày 22. 12. 2020
Phạm Hồng-Lam
Điều Hợp Viên