Xiển dương những gương sống và dấn thân ki-tô giáo

30/03/20167:53 CH(Xem: 8208)
Xiển dương những gương sống và dấn thân ki-tô giáo
Kính gởi tất cả những người thiện chí
Thưa quý vị và thân hữu,

 

Chúng ta đang sống trong một thời điểm đầy khó khăn, trong đó mọi giá trị bị đảo lộn. Nói như giáo tông Biển-đức XVI, nhân loại hôm nay đang ở trong một vũng nước xoáy của hai giòng nước: giòng nước hiện tại và giòng tương lai; hiện tại thì đang bị xoá tan, còn tương lai thì lại chưa định hình.

Trên bình diện toàn cầu, chưa bao giờ trong lịch sử, con người phải đối diện một lúc trước bao nhiêu là thách đố: Chủ nghĩa tương đối; chủ nghĩa tục hoá; chủ nghĩa thực dụng; chủ nghĩa tiêu thụ hoang phí; toàn cầu hoá truyền thông và kinh tế xoá dần các biên cương quốc gia, tẩy đi luôn những truyền thống đẹp nơi các dân tộc; niềm hãnh tiến của khoa học đẩy con người vào hư vô, tự huỷ… Đó là chưa nói tới những chủ nghĩa quá khích chính trị và tôn giáo đã và đang gây đảo điên nhân loại.

Nhìn vào đất nước chúng ta, tình trạng lại càng bi đát. 70 năm qua, đảng cộng sản việt nam đã ra sức chặt đứt mọi gốc rễ văn hoá dân tộc và tôn giáo, để buộc bao nhiêu thế hệ người dân hướng về „con người mới xã hội chủ nghĩa“, sống theo gương „đạo đức“ của lãnh tụ của họ. Nay thực tế cho thấy mẫu gương „con người mới xã hội chủ nghĩa“ và thứ „đạo đức lãnh tụ“ kia chẳng là gì khác ngoài lưu manh và bịp bợm. Kết quả 70 năm thực thi xã hội chủ nghĩa đã làm băng hoại mọi giá trị. Bạo hành, dối trá, lừa đảo, vô cảm, chụp giật đã thành quốc sách và trở thành những giá trị chuẩn mực của cuộc sống thường ngày.

Khi dân tộc nhận ra cơn mê hoặc, thì cũng chẳng còn biết đâu là định hướng phải theo nữa. Phải sống ra sao bây giờ? Theo ai? Theo gì?

Giữa vũng xoáy mất phương hướng đó, con người chỉ còn biết hướng về tôn giáo. Hiện tượng dân Việt hôm nay từ Bắc chí Nam thi nhau buôn thần bán thánh là một bằng cớ. Nhưng tôn giáo cũng chẳng giúp được gì nhiều, là vì nó hoặc cũng đang phải lao đao trong cơn lốc thời đại hoặc đã nhập thế quá đà, để biến thành mê tín và lễ hội.

Hậu quả là chúng ta thiếu gương sống. Nhận xét của chân phước Phao-lô VI: Con người hôm nay muốn thấy gương sống, chứ ít muốn nghe thầy dạy, nói lên thực tế éo le đó. Và việc phong thánh hàng loạt của thánh Gio-an Phao-lô II vừa qua phải được hiểu là một nỗ lức lấp đầy sự trống vắng gương sống cũng như để đáp ứng khát vọng của con người muốn tìm bảng chỉ đường cho cuộc sống mình.

 

Vẫn còn hi vọng

Nhưng chúng ta vẫn còn hi vọng. Là vì trong bất cứ hoàn cảnh hay thực tế nào cũng có luật trừ. Giữa vũng xoáy vô phương hướng đó vẫn còn có những Ki-tô hữu, bất luận thành phần và địa vị xã hội, dám chấp nhận hiểm nguy và thiệt thòi, để cố gắng sống theo Tin Mừng họ đã được nghe, được dạy.

Những tấm gương biên lề này cần phải được khám phá và xiển dương.

Vì thế Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại (PT) đưa ra dự án „Sống Niềm Tin. Ki-tô hữu dấn thân xã hội“ nhằm khai quật và thu thập các gương dấn thân sống đức tin của các Ki-tô hữu việt nam trong thời hiện đại (trong thế kỉ 20, 21), với hai mục đích:

  • đánh thức lương tâm người công giáo nói chung và để làm mẫu sống cho chúng ta.
  • góp thêm chứng từ về một giai đoạn lịch sử của Giáo Hội công giáo việt nam.
 

Thưa quý vị và thân hữu,

Dấn thân xã hội có thể hiểu cách tiêu cực: đó là cung cách xử thế của một người theo Chúa, hay cách tích cực: qua hành động dấn thân cho công lí, tự do, nhân phẩm…

Dấn thân xã hội bao gồm nhiều mặt: chính trị, tôn giáo, xã hội, văn hoá v.v.

Dấn thân xã hội không nhất thiết phải là mẫu gương của những người có tài, có nghề nghiệp và địa vị cao sang trong xã hội hay chỉ nơi hàng giáo sĩ. Mà có thể là một nông dân đã vì niềm tin thà chịu đói nghèo còn hơn chấp nhận phun thuốc độc lên rau quả của mình. Có thể là một người mẹ vì niềm tin chấp nhận mang đứa con tật nguyền hay vô thừa nhận của mình. Có thể là một thương gia đã vì niềm tin thà chấp nhận thua thiệt quyết không gian thương vì lợi nhuận. Có thể là một tu sĩ đã vì niềm tin quyết sống nghèo và hi sinh theo gương Thầy mình, chứ không bán mình cho vật chất thời thượng. Có thể là một thầy /cô giáo đã vì niềm tin quyết không tuân thủ lệnh trên để dạy cái ác cho con em. Có thể là những người đã vì niềm tin dám chấp nhận sống hiên ngang trong các trại tù (trong các hồi kí tù cải tạo có nhiều tấm gương về lãnh vực này). Có thể là một chính trị gia đã vì niềm tin cương quyết dấn thân hành động bảo vệ con người, dân tộc. Và còn nhiều trường hợp khác.

Dấn thân xã hội không chỉ là một cá nhân, mà có thể là một tổ chức, một phong trào, chẳng hạn như các nhóm Bảo Vệ Sự Sống.

Dự án „Sống Niềm Tin“ muốn thu thập những tấm gương xử thế và hành động tiêu biểu trên mọi mặt, chủ yếu của những Ki-tô hữu đã qua đời trong thời hiện đại (thế kỉ 20, 21).

 

Cùng chung tay đóng góp

Dự Án sẽ là một đóng góp chung của mọi người thiện chí, bất kể Ki-tô hữu hay không phải là Ki-tô hữu.

Quý vị có thể đề nghị cho chúng tôi những nhân vật / đối tượng mà quý vị thấy đáng nêu hoặc gởi cho chúng tôi các tài liệu sẵn có.

Quý vị có thể viết và gởi cho chúng tôi về nhân vật / đối tượng mà quý vị muốn. Mỗi nhân vật nên viết càng ngắn càng tốt (khoảng 5 trang Din A4 khổ chữ 12 Times trở lại). Nội dung bài viết, ngoài phần ngắn gọn các chi tiết về thân thế, cần làm sao nêu bật lên mối tương quan giữa niềm tin tôn giáo và động lực xử thế hay dấn thân của tấm gương liên hệ, nghĩa là họ hành động (ít hay nhiều) là vì niềm xác tín tôn giáo.

Quý vị cũng có thể giới thiệu cho chúng tôi thân nhân của những tấm gương cần được suy tôn, để chúng tôi liên lạc phỏng vấn, xin tài liệu…

 

Thời gian thu nhận bài và tài liệu
  • Từ nay cho tới 31 tháng 10 năm 2016.
  • Mọi đóng góp chuyển về địa chỉ: thuongvu@phongtraogiaodan.org
  • Các tấm gương thu thập được từ nay cho tới lúc ấn hành sẽ được tạm thời đưa vào nhà của PT (phongtraogiaodan.org) phòng „Kho sách“, góc „Sống niềm tin“, để mọi người có thể theo dõi và trao đổi ý kiến.
 

Kính chào và cám ơn Quý vị.

 

Ngày 01.04.2016
Phạm Hồng-Lam
(ĐHV / PTGDVNHN)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2019(Xem: 9088)
Tòa soạn: Giám mục Phao-lô Kim là một thừa sai người Pháp, nhưng đã cống hiến cả cuộc đời cho Việt Nam và đã mặc lấy một tâm hồn người Việt. Nếu không được thấm nhuần bởi Tin Mừng của đức Ki-tô, liệu ông có được một tấm lòng nhân ái vượt biên giới thể hiện qua trường hợp sau đây không?
18/08/2019(Xem: 9064)
Chấp nhận những khốn nạn bất công xẩy tới cho mình như là số phần Thiên Chúa an bài cho mình, mà không chút hận thù, như trường hợp ông Vũ Duy Thái dưới đây, phải chăng là dấu chỉ vong thân và tiêu cực của người theo Chúa? Hay đó là dấu chỉ của một tâm hồn đã đạt tới chiều sâu của Tin Mừng? Bài sau đây của tác giả nạn nhân đọc tại nhà thờ trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan ngày 14-4-1980, vào buổi lễ giỗ 100 ngày vợ và 4 đứa con của ông bị chết vì hải tặc.
21/07/2019(Xem: 5078)
Sống Niềm Tin 6 Chịu chết để bênh vực quyền lợi của con người. Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền TGM Nguyễn Kim Điền sau 1975
29/05/2019(Xem: 10987)
Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta tụ họp trong thánh đường này để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, cách riêng là linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống (TT) đầu tiên của Việt Nam, người đã giành lại độc lập và tự do cho dân tộc, đã lập nên nền Đệ nhất Cộng Hòa, đã lãnh đạo Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường mà trong đó người dân sống thanh bình và tự do, ấm no và hạnh phúc. Chúng ta biết công đức của TT Ngô Đình Diệm thì nhiều vô kể. Trong thánh lễ này, chúng ta chỉ chiêm ngưỡng xem ngài đã sống đức tin công giáo thế nào, đã theo Chúa và họa lại nơi bản thân mình hình ảnh Chúa Kitô ra sao.
26/05/2019(Xem: 9512)
Đôi dòng tiểu sử: Marcel Văn tên thật là Nguyễn Tân Văn. Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1928, tại Ngăm Giáo, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngăm Giáo là một làng nhỏ nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, thuộc vùng châu thổ sông Hồng.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC