Tài liệu: TS Roland Jacques & Quốc Ngữ

13/12/201712:30 SA(Xem: 10695)
Tài liệu: TS Roland Jacques & Quốc Ngữ

GS Nguyễn Lý Tưởng: TS Roland Jacques & Quốc Ngữ

Giới Thiệu Tác Phẩm
“Các Nhà Truyền Giáo Bồ Đào Nha
           và Thời Kỳ Đầu Của Giáo Hội Công   Giáo Việt Nam”

Fr.-Roland-e1488923919683

 Bài Phát Biểu của GS Nguyễn Lý-Tưởng tại Trung Tâm Công Giáo VN/Giáo Phận Orange, California chiều Thứ Bảy, 12 tháng 6 năm 2004 nhân dịp giới thiệu tác phẩm:“Các Nhà Truyền Giáo Bồ Đào Nha Và Thời Kỳ Đầu Của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (Les Missionnaires portugais et les débuts de l’Eglise catholiques au Việt-Nam) của

Linh mục Giáo Sư/Tiến Sĩ Roland Jacques

Kính thưa Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương,
GM Phụ Tá GP Orange,

Kính thưa  Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thành Viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa thuộc Tòa Thánh Vatican.

Kính thưa quý Linh Mục, tu sĩ,

Kính thưa quý vị giáo sư, học giả, quý vị nhân sĩ trí thức, quý vị đại diện truyền thông báo chí, quý vị đại diện đoàn thể, cộng đồng và quý vị quan  khách,

Kính thưa tác giả: LM Giáo sư Khoa Trưởng Roland Jacques,

Tôi được Ban Tổ Chức trao cho nhiệm vụ giới thiệu tác phẩm “Les Missionnaires portugais et les débuts de l’Eglise catholiques au Việt Nam” của Linh Mục Tiến Sĩ Roland Jacques, Giáo Sư Khoa Trưởng Phân Khoa Giáo Luật thuộc Đại Học Saint Paul, Ottawa, Canada .

Đây là một vinh dự rất lớn mà anh em trong Ban Tổ Chức đã dành cho tôi trong ngày hôm nay. Nhưng tôi tự nghĩ mình thật không xứng đáng để nhận lãnh vai trò quan trọng nầy. Vì đối với một bậc thầy về phương diện kiến thức, học vị cũng như các công trình nghiên cứu như R.P Roland Jacques, tôi chỉ là một người học trò bé nhỏ của Ngài mà thôi.

Ngay từ thuở bé, chúng tôi đã được gia đình cũng như Giáo Hội nhắc nhở Lời Chúa ”Sự vâng lời trọng hơn của lễ”. Với tinh thần đó, và nhân kỷ niệm 450 năm Truyền Giáo tại Việt Nam đã được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam công bố vào năm  2004 nầy, hôm nay, chúng tôi xin được phép đóng góp một vài ý kiến thô thiển để gọi là “giới thiệu tác phẩm và tác giả”...

     1.-Linh Mục Roland Jacques, năm nay, ngoài 60 tuổi, sinh quán tại Loraine, nước Pháp. Ngài đã học tại L‘Ecole des Langues Orientales de Paris (tức là Trường Á Đông Sinh Ngữ, Paris như chúng ta quen gọi), chuyên về tiếng Việt và vùng Viễn Đông. Ngoài ra , Ngài còn là một chuyên gia về Giáo Luật Công Giáo: Tiến Sĩ Luật Học tại Đại Học Paris XI và Tiến Sĩ Giáo Luật tại Học Viện Công Giáo Paris, hiện là Khoa Trưởng Phân Khoa Giáo Luật, Đại Học Saint Paul, Ottawa, Canada. Ngài đã đến Việt Nam nhiều lần để nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Ngoài ra, Ngài cũng đã nghiên cứu các tài liệu bằng Hán văn, chữ Nôm, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha , Hòa Lan,v.v. để tìm hiểu tới nơi các nguồn tài liệu có liên quan đến lịch sử truyền giáo tại Việt Nam.  Đặc biệt ngài là “cáo thỉnh viên” (người đã đứng ra làm đơn xin phong thánh) cho Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của GH CG Việt Nam (thế kỷ thứ 17).

 Các bài nghiên cứu của Ngài viết bằng tiếng Pháp, đã được các ông Nguyễn Đăng Trúc, Trần Duy Nhiên, Nguyễn Bá Tùng, Hồ Ngọc Tâm dịch ra tiếng Việt, một số đã được đăng tải trên Tập San Định Hướng. Nhờ đó, chúng tôi cũng như một số quý vị có mặt hôm nay, đã được biết về Ngài. Quả thật, đối với Ngài, chúng tôi chỉ là “văn kỳ thanh nhi bất kiến kỳ hình”. Và hôm nay, lần đầu tiên chúng tôi được diện kiến Ngài đề thỏa lòng ngưỡng mộ bấy lâu.

Xin quý vị chào mừng Ngài bằng một tràng pháo tay...

2. Tác phẩm nầy gồm 02 tập: Tập thứ nhất dày 423 trang và tập thứ nhì, dày 223 trang. Tổng cộng cả hai tập, vào khoảng 650 trang. Nội dung gồm có:

-Lời mở đầu do cơ sở xuất bản Định Hướng và Trung Tâm
Nguyễn Trường Tộ tại Pháp.

-Lời Tựa của Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Sài Gòn, Thành viên Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa (thuộc Tòa Thánh Vatican) và Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

-Trong phần Nội Dung tập thứ nhất, tác giả lần lượt đề cập đến các vấn đề sau đây:

a. Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ (Phải chăng cần viết lại lịch sử): Trong phần nầy tác giả đề cập đến vai trò của các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và chữ quốc ngữ (chữ Việt Nam bây giờ), bác bỏ vai trò của Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes là người sáng chế ra chữ quốc ngữ theo truyền thống trong sách vở xưa nay.

Tác giả cũng đã đưa ra những dẫn chứng mới mẻ về một Ủy Ban nghiên cứu về tiếng Việt và việc sáng chế ra chữ quốc ngữ cũng như những cá nhân khác đã có công sáng chế ra chữ quốc ngữ trước Alexandre de Rhodes, đặc biệt là Francisco da Pina (sinh năm 1585 tại Guarda, Bồ Đào Nha, chịu chức Linh Mục ở Malacca năm 1616, đến Đàng Trong năm 1617  và đã chết vì tại nạn đắm thuyền tại Đà Nẵng ngày 15 tháng 12 năm 1625), là thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes...

Tác giả cũng đã làm sáng tỏ những nghi ngờ về vai trò của Alexandre de Rhodes có liên quan đến việc dọn đường cho người  Pháp đến xâm lăng nước Việt Nam sau nầy. Tiếp đến, tác giả  đã đề cập đến vai trò của Dòng Tên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam và tiếng Việt,  sự cộng tác của nhiều trí thức trẻ Việt Nam trong việc truyền bá Phúc Âm và Giáo Lý; về vai trò của người Bồ Đào Nha tại Viễn Đông, sự hình thành chữ quốc ngữ theo mẫu tự latinh, việc tra cứu lại bộ hồ sơ ngữ học, v.v....để trả lời một vài học giả có chủ trương xuyên tạc với mục đích chính trị...

 b. Liên quan đến các cuốn Tự Điển và Giáo Lý của Alexandre de Rhodes (tác giả ghi lại những trao đổi với Giáo Sư Linh Mục Phan Đình Cho...)

 c. Về một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật-Hoa-Việt

(biên soạn tại Áo Môn (Macao) năm 1632)

d. Phần cuối của tập thứ nhất, tác giả ghi lại cuộc hành trình của mình đến Việt Nam với mục đích nghiên cứu tận nơi qua các địa phương  mà các nhà truyền giáo cách nay mấy thế kỷ đã từng sống và hoạt động... như Quảng Nam, phố cổ Hội An, thị trấn Vĩnh Điện và vùng Điện Bàn, thành phố Đà Nẵng với Cửa Hàn...Phần cuối của tập thứ nhất, tác giả đề cập đến “kinh nghiệm học tiếng Việt của một người Âu Châu bẩm sinh”

  Mở đầu tập thứ hai, với đề tài:

e. Một số suy nghĩ về sự đóng góp của hàng Giáo Phẩm Việt Nam trong việc chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Á Châu.

f. Ai đã thành lập Giáo HộiViệt Nam?

 -Giáo Hội CG VN có phát xuất từ Pháp không?

 -Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (MEP) và các vị tử đạo.

 - Những người Công Giáo VN và nước Pháp.

g. Nguồn gốc và ý nghĩa của các tên gọi:”Hoa Lang” và
“Hoa Lang Đạo”

h. Tên tiếng Việt của Thầy giảng Anrê Phú Yên

i. Thầy giảng Anrê và tước hiệu “Tử Đạo Tiên Khởi”

j. Về việc phong thánh vị tử đạo Việt Nam đầu tiên: Anrê Phú Yên

 Kính thưa quý vị,

Chúng tôi vừa mới giới thiệu tổng quát nội dung tác phẩm của LM Roland Jacques, được ra mắt ngày hôm nay. Riêng phần giới thiệu về công trình nghiên cứu của tác giả về ngữ học (tiếng Việt) và vai trò quan trọng của chữ quốc ngữ đối với  dân tộc Việt Nam... Chúng tôi xin nhường lời lại cho Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Huy Bích sẽ trình bày sau.

Nhân dịp nầy, chúng tôi xin được phát biểu một vài ý kiến của cá nhân tôi sau khi đọc tác phẩm: “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” của LM Rolland Jacques.

 1.  ĐI TRUYỀN GIÁO HAY ĐI XÂM LĂNG ?  

  Khởi đi từ từ Jerusalem, với niềm tin, không có vũ khí, không chủ trương bạo động hay hoạt động lật đổ (danh từ của Cộng Sản Việt Nam), những nhà truyền giáo đầu tiên của Kitô giáo thường gọi là : nhóm mười hai Tông Đồ nhỏ bé, đã lên đường “đi khắp thế giới” để rao giảng “Tin Mừng” của Đức Kitô. Họ đã bị cấm cách, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, hủy diệt cả sinh mạng... chỉ vì một niềm tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu Độ. Họ không có vũ khí, không có tài sản, không có chính quyền, không có quân đội. Họ đã sống cuộc đời nghèo khó và đem tình yêu thương đến cho mọi người. Những nhà truyền giáo từ Jerusalem đã âm thầm xâm nhập vào thủ đô Roma. Nhưng sau 300 năm bị bách hại, khắp nơi, từ trong triều cho đến ngoài dân giả, đâu đâu cũng có sự hiện diện của người Kitô hữu.

 Đạo quân của đế quốc La Mã hùng mạnh, bá chủ toàn cõi Âu Châu. Họ đi chiếm đất, chiếm dân, chiếm tài nguyên để mở rộng đế quốc làm giàu cho vua chúa của mình. Họ đã chia lãnh tổ Âu Châu cho các lãnh chúa thuộc hoàng tộc La Mã, mỗi người chiếm một phần, bắt dân đóng thuế và phục vụ cho họ.Người nông dân ở trong phần đất của các lãnh chúa thật vô cùng khốn khổ. Đó là những người dân nô lệ, mất hết quyền tự do.  

 Theo gót chân của đạo quân La Mã, thương nhân đi tìm nguồn hàng hóa trao đổi kiếm lời. Trong khi đó, các nhà truyền giáo từ La Mã, đi rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, đã đến với các dân tộc Âu Châu với mục đích rao truyền tình bác ái và huynh đệ; vai trò của người phụ nữ được đề cao, người nô lệ được giải phóng, tinh thần bình đẳng giữa nam nữ được tôn trọng, mọi người được sống tự do.

Đế quốc La Mã dùng bạo lực để bành trướng nhưng những nhà truyền giáo dùng tình thương và bác ái để chinh phục các linh hồn.

 Khi nhìn đến cuộc sống của các Kitô hữu khác trong xã hội, các nhà truyền giáo không khỏi băn khoăn: Phải làm sao cho cuộc sống của bản thân, của anh em mình mỗi ngày một tốt đẹp hơn; mọi người phải có cơm ăn áo mặc, phải được học hành, được thăng tiến, được hưởng sự hòa bình, có an ninh, không bị đe dọa, không bị áp bức.

 Tại Âu Châu vào thời Trung Cổ, có  những tu sĩ tình nguyện ở chung với nhau, tự tay làm ra của cải để sống. Họ cùng nhau đi kha khẩn đất hoang, phá rừng, khai ruộng, đào sông, làm thủy lợi, nghiên cứu các phương pháp chăn nuôi trồng trọt...Tu hội gọi là Cisterciens, đãï chọn những thung lũng, chỗ đất thấp để làm nhà, xây nhà thờ, tu viện. Tu hội Prémontrés thì chọn những ngọn đồi... Chung quanh tu viện có xây thành để bảo vệ, cửa đóng then cài biệt lập. Tất cả của cải làm ra đều là của chung. Tài sản của họ càng ngày càng nhiều nhờ vậy, mà họ đã làm nên được những công trình lớn để lại cho đời sau.

Ngày nay chúng ta còn gặp được những di tích như thế khắp Âu Châu. Những người này lúc đầu là những hiệp sĩ và dần dần họ cũng là những tu sĩ...Dân chúng  ở trong đất của lãnh chúa vì thiếu tình thương nên đã bỏ chủ của mình để đến với họ. Họ chia đất cho dân làm ăn, họ hướng dẫn dân về đời sống đạo đức cũng như nghề nghiệp làm ăn, sinh sống. . Dân làm nhà bên ngoài vòng thành của tu viện để ở.  

 Do nhu cầu của sự phát triển xã hội mà vị Linh Mục phải đứng ra lãnh đạo dân, phải lo cho dân có học hành, (dạy cho dân biết chữ để đọc kinh sách, học giáo ly), hướng dẫn dân biết chăn nuôi trồng chọt, xây dựng nhà cửa, các Linh Mục, Tu Sĩ cũng phải nghiên cứu về y học và các khoa học khác để phục vụ cho đời sống của dân. Linh Mục cũng là người xét xử, phân giải khi có sự tranh chấp. Khi có giặc cướp đến, thì Linh Mục phải cho mở cửa nhà dòng để dân chúng vào ẩn núp..

.Chuông nhà thờ trước đây dùng để báo hiệu các giờ kinh thì nay phải dóng lên để báo động cho dân biết có giặc đến mà chiến đấu tự vệ. Thế là do hoàn cảnh xã hội, do hoàn cảnh lịch sử mà Linh Mục đã trở nên một vị lãnh đạo của dân, cả phần đạo lẫn phần đời.

 Nếu so sánh cuộc sống của người dân trong phần đất của lãnh chúa thì người dân ở trong vùng ảnh hưởng của nhà thờ tốt đẹp hơn nhiều. Họ được sống trong tình huynh đệ, bác ái yêu thương nhau. Lãnh chúa dần dần mất dân và các khu vực thuộc tu viện càng ngày càng phát triển...

 Nếu nói rằng việc truyền giáo của Giáo Hội là đi chinh phục, đi xâm lăng thì đây là một cuộc chinh phục bằng tình thương, bằng niềm tin tôn giáo chứ không phải bằng bạo lực, bằng súng đạn.

         2.  CÓ PHẢI CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN ĐÃ THEO ĐẠO QUÂN VIỄN CHINH PHÁP ĐẾN VIỆT NAM  HAY KHÔNG?

 Trước hết, các nhà truyền giáo đã theo các thuyền buôn để đến Việt Nam từ thế kỷ thứ 16, 17, trong tay không có vũ khí để tự vệ. Đa số là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, có cả người Nhật, người Hoa...Alexandre de Rohdes là người Avignon, lãnh thổ của Giáo Hoàng, không thuộc nước Pháp. Cả trăm năm sau mới có giáo sĩ người Pháp của Hội Truyền Giáo Paris (Missions Etrangères de Paris)......

Sau ngay 30-04- 1975, chính quyền CSVN đã cho phổ biến qua sách vở, báo chí, trong trường học hay trong các trại tù “cải tạo”,v.v. khẳng định rằng các nhà truyền giáo người Âu Châu đến Việt Nam để làm “gián điệp” chuẩn bị trước cho quân Pháp đến xâm lăng nước ta! Điều đó đúng hay không?

Một người từ tuổi thiếu niên đã tình nguyện vào tu học trong các chủng viện, nhà tu cho đến khi trưởng thành, được chọn làm Linh Mục, ít nhất cũng trải qua 14 năm học hành   và có trẻ nhất cũng phải 25, 26 tuổi trở lên. Họ được lựa chọn trong số những thanh niên xuất thân từ con nhà đạo đức, được giáo dục của cha mẹ, gia đình, có gương lành, gương tốt trong xã hội và được học hành có trình độ Đại học. Họ đã tình nguyện bỏ cha mẹ, anh em, bỏ quê hương, dân tộc của mình để đi đến những nơi đất lạ xứ người, khác tiếng nói, khác phong tục, có khi phải trải qua những nơi khí hậu khắc nghiệt, phải sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn để hòa mình với những người địa phương với cuộc sống thấp kém.

 Họ đã bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn và bị xét xử bất công, bị lên án và bị xử tử hình với tất cả những hình thức dã man nhất mà con người có thể sử dụng vào giai đoạn đó. Nếu không bị chết vì cực hình trên đất nước Việt Nam thì họ cũng đã chết vì già yếu bệnh hoạn tại đất nước nầy chứ không muốn trở về lại nơi sinh quán của mình. Họ đã học tiếng Việt, nói tiếng Việt, có tên gọi bằng tiếng Việt và sống với người Việt theo phong tục Việt Nam vì họ đã chọn Việt Nam làm quê hương. Họ sống như thế với niềm tin sẽ được phần thưởng trên thiên đàng sau khi chết chứ không phải để được tiền tài, danh vọng ở thế gian nầy. Họ đến Việt Nam với lý tưởng của họ là “Rao Truyền Lời Chúa” và mời gọi mọi người gia nhập Giáo Hội của Chúa.

 Thử hỏi có chính quyền nào đào tạo được một người gián điệp để chấp nhận hy sinh tất cả, kể cả mạng sống chỉ vì một niềm tin vào một thế giới nào đó, sau khi chết?

Chính sách thực dân là do các vua chúa, do các chính quyền tại Âu Châu chứ không phải do chủ trương của Giáo Hội Công Giáo.

Trước khi đạo Thiên Chúa vào Việt Nam thì lịch sử Việt Nam cũng đã ghi nhận từ thế kỷ thứ 3 trước Chúa Giêsu đến thế kỷ thứ 15, trải qua hàng ngàn năm, dưới thời nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường, nhà Nguyên, nhà Minh...dân tộc Việt Nam bị người phương Bắc đô hộ, các tôn giáo từ phương Bác xâm nhập vào nước ta như Nho, Lão và Phật. Dân tộc Việt Nam đã đón nhận không kỳ thị, không xua đuổi...nền văn hóa đó. Sau khi dân tộc Việt đánh đuổi được xâm lăng phương Bắc, giành lại độc lập thì văn tự, tư tưởng đạo đức, tôn giáo,v.v.từ phương Bắc truyyền sang vẫn tồn tại với dân tộc Việt nam cho đến bây giờ.

 Các đế quốc, các thương nhân hay các nhà đạo đức, văn hóa...mỗi người có con đường riêng của mình để đi theo, có chủ trương của mình để thực hiện. Cái gì xấu thì sẽ mất đi, cái gì tốt thì sẽ còn lại.Người Việt chỉ đánh đuổi bọn xâm lăng và loại trừ cái xấu chứ không từ chối điều tốt, điều hay từ phương Bắc mang đến.

Đọc lịch sử, chúng ta biết chế độ Cộng Hòa Pháp sau 1789 là chế độ chống lại Giáo Hội Công Giáo tại Pháp . Thời điểm Pháp xâm lăng Việt Nam từ 1857 khi vua Napoléon III lập ra Ủy Ban để nghiên cứu về Việt Nam (Mission de la Cochinchine) và sau đó đưa ra kề hoạch chiếm Việt Na cho đến hòa ước 1862, hoàn toàn là chủ trương của Pháp, không liên quan gì đến Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Pháp chỉ lợi dụng việc vua Việt Nam cấm đạo để gây hấn, lấy danh nghĩa bênh vực người Công Giáo để xâm lăng Việt Nam. Nếu không có lý do đó, Pháp cũng sẽ tìm lý do khác.

Việt Nam mất nước vào hậu bán thế kỷ thứ 19 là vì lạc hậu, yếu kém, không chịu đổi mới để tự cường; dân bị vua quan bóc lột, đời sống quá nghèo đói, thấp kém,  vua quan giết hại dân theo đạo Công Giáo, gây chia rẽ trong nước, làm suy yếu cả dân tộc nên không đủ sức chống lại xâm lăng.

Cùng hoàn cảnh như Việt Nam, có khi còn kém thua Việt Nam nữa, tại sao Nhật Bản trở thành cường quốc ? Nhờ vua Minh Trị (1868) canh tân nước Nhật và chỉ không đầy 30 năm sau (1905), Nhật là một nước da vàng Á Châu, đã thắng Nga, một cường quốc da trắng Âu Châu.

Thái Lan nhờ có chính sách ngoại giao khôn khéo, mở cửa cho Tây Phương vào buôn bán mà giữ được độc lập, không bị xâm lăng.

Giáo lý của đạo Công Giáo là thực thi công bằng và bác ái giữa người với người, tin vào THiên Chúa là Đấng có quyền thưởng phạt...Những người đi rao giảng giáo lý đó đương nhiên chống lại chủ trương đi xâm lăng, cướp nước, hà hiếp, bóc lột dân lành. Vậy, sẽ hoàn toàn sai lầm khi người ta cho rằng đạo Công Giáo với đế quốc thực dân là một.

 

Trong lịch sử Việt Nam, người Công Giáo có quyền ủng hộ chế độ nầy hay chế độ khác, có quyền ủng hộ một chính quyền (hay một lãnh tụ) nào không chủ trương áp bức, bách hại tín đồ Công Giáo, không tạo nên bất công, nghèo đói, chiến tranh,v.v.Vào hậu bán thế kỷ 18, khi anh em Tây Sơn nổi lên chống lại chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người Công Giáo ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) để phục quốc mà không ủng hộ anh em Tây Sơn cũng là điều hợp lý đối vời hoàn cảnh chính trị xã hội của nước Việt Nam thời đó. Nhà Tây Sơn tuy tạo được chiến thắng về quân sự, nhưng về chính trị, kinh tế, chính sách tôn giáo... lúc đó không phù hợp với người Công Giáo. Người dân có quyền biết ơn các chúa  Nguyễn đã thực hiện cuộc Nam tiến, mở rộng giang sơn về phương Nam cho dân có đất, có ruộng để sinh sống.

 Ngừơi Công Giáo thấy rõ Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản là kẻ thù của dân tộc, là tay sai cho ngoại bang, tay sai cho đảng Cộng Sản quốc tế mà đầu não là Mạc Tư Khoa (Moscova) tức Liên Sô và đảng đó chủ trương tiêu diệt tôn giáo (mà Công Giáo là kẻ thù số một của họ). Vì thế họ không ủng hộ Hồ Chí Minh và chính quyền Cộng Sản. Năm 1945, khi Việt Minh mới lên nắm chính quyền dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, họ đã lên án những người theo đạo Công Giáo là “theo Tây”, là “phản quốc”. Luận điệu đó, mãi cho đến bây giờ, vẫn có người lặp lại. Thử hỏi, điều đó đúng hay sai?

 Năm 1954, sau hiệp định Genève, người Công Giáo ở miền Bắc, đã bỏ quê hương, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ hết tài sản để chạy vào miền Nam. Sau ngày 30-04-1975, cũng  như tất cả những thành phần chống Cộng khác,  người Công Giáo lại bỏ miền Nam chạy ra hải ngoại. Đó là điều hợp tình hợp lý. Nhưng họ cũng bị lên án là chạy theo Mỹ, phản bội tổ quốc!? Như vậy,  những người nhân danh lòng yêu nước để chống lai người Công Giáo...Họ đã đứng về phía nào: quốc gia hay Cộng Sản?

Nhiều người đã dẫn chứng sự kiện Giám Mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) giúp vua Gia Long chống Tây Sơn để buộc tội đạo Công Giáo đã đưa người Pháp vào xâm lăng nước ta. Thiết tưởng, cũng cần phải nói rõ về trường hợp của Giám Mục nầy:

  Ông giúp Gia Long với tư cách cá nhân, với phương tiện riêng của mình chứ không nhân danh Giáo Hội hay nước Pháp.

 Năm 1777, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn bắt tại Long Xuyên, Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát được, lang thang hết nơi nầy sang nơi khác, sau cùng đã gặp Giám Mục Bá Đa Lộc tại Chantabun, một nơi trên lãnh thổ Thái Lan. Giám Mục đã nuôi ông ta và đã cho ông ta ẩn núp trong nhà một tháng(1) Lần thứ hai, năm  1783, quân Tây Sơn vào đánh Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh bị thua trận, phải chạy trốn ra đảo Phú Quốc và lại gặp Giám Mục ở đó. Ông đã nhờ Giám Mục viết thư cho Manilla, xin người Bồ Đào Nha giúp (2) không được kết quả gì, sau cùng ông đã họp triều đình và quyết định nhờ Giám Mục cùng đi với Hoàng tử  Nguyễn Phúc Cảnh qua cầu viện nước Pháp (1785)

Triều đình Pháp lúc đó đã họp và đã đưa ra đủ mọi lý do để khuyên vua từ chối. Nhưng Waleski, vị Thượng Thư đại diện vua đã cho biết vì Hoàng hậu muốn giúp Giám Mục nên triều đình đã thông qua một hiệp ước ( ký kết tại Versailles ngày 28-11-1787 gồm 10 điểm) theo đó nước Pháp hứa sẽ giúp cho Nguyễn Phúc Ánh 4 chiến hạm, 1200 lính bộ binh, 200 lính pháo binh, 250 lính người Phi  châu với đầy đủ khí giới và tàu bè chuyên chở...và chúa Nguyễn cũng hứa nhường cho Pháp đảo Côn Lôn và một hòn đảo nhỏ ngoài cửa Hội An (cù lao Chàm) để lập cơ sở thương mãi, được quyền sử dụng cửa biển Đà Nẵng...

 Bá tước De Conway, đại diện Pháp tại Pondichéry (Ấn Độ) là người sẽ thi hành hiệp ước đó. Ông đã gởi một đại úy pháo binh đến nghiên cứu tình hình tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Viên sĩ quan nầy đã nhận định rằng vùng nầy không có khả năng gì để khai thác về mặt thương mãi và việc giúp một ông vua trẻ lấy lại nước đã mất, với hai bàn tay trắng  chống lại với một lực lượng quá hùng mạnh của kẻ thù là điều không có hy vọng gì thành công. Dựa vào báo cáo đó, Bá tước De Conway ở Pondichéry đã phúc trình “cuộc hành quân sẽ bất lợi cho nước Pháp”.

 Qua thư đề ngày 14  tháng 10 năm 1788, vua Pháp  chỉ thị cho De Conway phải tìm cách trì hoãn “không thi hành” hiệp ước Versailles...

 Vị Gám Mục đã phải chờ đợi đến hai năm mà không có kết quả gì, cuối cùng  ông đã dùng tiền của các nhà hảo tâm giúp đỡ, mua tàu be, súng đạn và vận động một vài người quen biết về giúp Gia Long (như Chaigneau, Vanier, Dayot, Olivier, Manuel...) (3)

Ngày 24 tháng 7 năm 1789, Giám Mục và Hoàng tử Cảnh về đến Vũng Tàu thì Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm lại Gia Định trước đó.

Trong một thư đề ngày 17 tháng Chạp năm Cảnh Thịnh thứ 50 (31 tháng 01 năm 1790), chúa Nguyễn Phúc Ánh báo tin cho vua Pháp biết ông đã chiếm lại được giang sơn của tổ tiên (Gia Định) đã tổ chức được một đạo quân hùng mạnh với đầy đủ khí giới, do đó không cần đến sự giúp đỡ của Pháp nữa (4)   

 Do cảm tình giữa Giám Mục và chúa Nguyễn Phúc Ánh nên ông đã giúp chúa Nguyễn khôi phục lại giang sơn của tổ tiên, chứ không phải mục đích muốn đưa người Pháp vào cai trị nước Việt Nam. Chính trong thời gian đó, cũng đã có nhiều giao sĩ bất đồng với hành động của Gám Mục Bá Đa Lộc và cũng đã có người viết thư khuyên ông không nên dính líu vào việc chính trị vì việc làm của ông đã khiến cho Tây Sơn giết hại người Công Giáo (5).

 Ngoài ra, xét về mặt tâm lý, chắc chắn lúc đó, những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn cũng như những ai ủng hộ Gia Long đều cho rằng hành động của Giám Mục là đúng. Tại sao về sau, các vua kế vị Gia Long cũng như các quan đã chủ trương giết hại người Công Giáo? Và ngay cả đến bây giờ, vẫn có người trong con cháu nhà Nguyễn lại lên án các nhà truyền giáo, lên án đạo Công Giáo là đã đưa Thực dân  Pháp vào chiếm nước ta?

 3.  NHÌN LẠI LỊCH SỬ 450 TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM:
    GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÃ ĐEM LẠI CHO
    DÂN TỘC VIỆT NAM NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP GÌ ?

 Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng mình là MẸ (MATER) và là THẦY (MAGISTRA).

Là MẸ thì phải lo cho con cái, không những về mặt đạo đức, về phần linh hồn mà còn cả về “phần xác” nữa. Thiên Chúa dựng nên con người gồm cả hai phần “linh hồn và xác”. Con người phải có cơm ăn, áo mặc, được săn sóc về sức khỏe, được học hành, được hưởng các quyền “tự do dân chủ” của người công dân. Chính vì thế, chúng ta nhận thấy bên cạnh “Nhà thờ” có trường học, có bệnh viện, có cô nhi viện, có trại cùi...

 Là THẦY thì phải hướng dẫn, dạy dỗ, chỉ đường cho con cái “tránh” những điều xâu, trái với luân lý, đạo đức, tránh những điều bất công trong xã hội...để thực hiện “TIN MỪNG” của Chúa. Giáo Hội thay mặt Chúa Giêsu để loan báo “TIN MỪNG” của Ngài cho các dân tộc, cho tất cả mọi gnười trong xã hội, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo...Vì trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều được gọi là “con cái của Ngài” và “đều được bình đẳng”...

Vậy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã đem lại cho DÂN TỘC VIỆT NAM những điều tốt đẹp gì?

(a). Chữ Quốc Ngữ:

 Trong khi tiếp nhận các nguồn văn hóa, tư tưởng cũng như tôn giáo từ phương Bắc, dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận một thứ chữ viết làm văn tự chính thức của dân tộc mình. Thứ chữ của người Trung Hoa mà chúng ta gọi là chữ Nho, chữ Hán (LM Roland thi gọi là “chữ vuông”) đã được sửû dụng trong công việc hành chánh, giao thiệp, buôn bán, thi cử học hành, ghi chép sử sách....là một thứ chữ rất khó học, khó nhớ. Ngay ở nước Tàu, số người biết đọc, biết viết cũng không nhiều huống chi Việt Nam, lại càng quá ít.

Tỷ lệ dân chúng biết đọc biết viết chữ Hán thời xưa rất thấp, trong một làng chỉ có vài người, chỉ trừ những dòng họ danh tiếng, có người đỗ đạt làm quan và giàu có mới có điều kiện học chữ Hán, đa số dân chúng còn lại, nhất là đối với nữ giới, lại càng hiếm hoi hơn nữa.

 Do đó, dân trong nứơc đa số không biết về lịch sử và văn hóa của mình. Họ chỉ biết sống theo phong tục của xóm làng và được hướng dẫn bởi một số người lãnh đạo. Trình độ dân trí vào thời đó rất thấp kém và sinh hoạt tôn giáo cũng không được sống động như bây giờ.

 Chữ Nôm lại càng khó hơn chữ Hán (tức chữ Nho) vì phải biết chữ Nho mới đọc được chữ Nôm. Cách cấu tạo chữ Nôm lại không thống nhất, mỗi người tự chế ra một cách. Cùng một chữ mà người thì đọc cách nầy, người thì đọc cách khác và hiểu nghĩa cũng khác nhau. Do đó, ngày nay học giả nghiên cứu chữ Nôm đã gặp rất nhiều khó khăn.

 Từ khi có chữ Quốc Ngư, đa số  người Việt Nam đều biết đọc, biết viết một cách dễ dàng, chỉ vài tuần, vài tháng là có thể đọc, có thể hiểu, có thể viết được. Mục đích của người đặt ra chữ Quốc Ngữ là để giúp các giáo sĩ người Âu Châu học tiếng Việt, giao thiệp với người Việt, phổ biến kinh sách, giáo lý trong nội bộ người Công Giáo. Rồi đến các học giả, trí thức vào hậu bán thế kỷ 19 như  Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký ở Miền Nam, đã đi tiên phong trong việc sử dụng chữ Quốc Ngữ để viết văn, viết báo, viết sách.

Tiếp đến, đầu thế kỷ 20 ở Miền Bắc có Lê Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,v.v. tiếp tay, và cả đến những nhà cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,v.v. cũng đã hô hào dân chúng học chữ Quốc Ngữ. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) cũng chủ trương dạy chữ Quốc Ngữ, Hội Khai Trí Tiến Đức lập ra để giúp dân Việt Nam biết chữ Quốc Ngữ. Thi sĩ Tản Đà vào đầu thế kỷ 20 cũng hô hào:”Chữ Quốc Ngữ, chữ Nước ta, con cái nhà, đều phải học”. Ai cũng thấy chữ Quốc Ngữ là lợi thế của dân tộcViệt Nam, giúp mở mang dân trí cho dân tộc  chúng ta, cho con cháu chúng ta.

Đến đầu thế kỷ 20, nhà nước bỏ chương trình thi cử chữ Nho, chữ Hán và chữ Quốc Ngữ được công nhận là văn tự chính thức của người Việt Nam.

 Sách “Việt Nam Văn Học Toàn Thư” của Hoàng Trọng Miên, trang 29 viết:

“Đến thế kỷ 16, do sự tiếp xúc giữa Việt Nam với Tây Phương, chữ Quốc Ngữ ra đời. Các giáo sĩ Âu Châu đã mượn chữ La Mã để phiên âm tiếng Việt Nam trong công việc truyền đạo Thiên Chúa, rồi do đó mà sáng tác ra chữ Quốc Ngữ. Linh Mục Alexandre de Rhodes là người chính thức hóa chữ Quốc Ngữ với cuốn Tự Điển Quốc Ngữ đầu tiên in năm 1651 tại La Mã.

 “Quốc Ngữ là một thứ chữ rất dễ dàng, tiện lợi, trở nên một lợi khí sắc bén của dân tộc. Qua đến đầu thế kỷ 20, chữ Quốc Ngữ bắt đầu phổ cập khắp nơi ở trong nước với các Phong Trào Đông KInh NGhĩa Thục (1907), Truyền bá quốc ngữ (1930) và Bình dân học vụ ngày nay. Chữ Quốc Ngữ phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng , tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho văn hóa cùng văn học dân tộc”...

Tiếng Việt trước đây rất lủng cũng, văn xưa tối nghĩa, đọc rất khó hiểu. Nhờ chữ Quốc Ngữ mà dân tộc chúng ta tiến bộ rất nhanh, nhất là hậu bán thế kỷ 20. Ngày nay chúng ta đã có lối văn sáng sủa, thoát ra khỏi văn phong nặng nề , khó hiểu của thời Nam Phong Tạp Chí và An Nam Tạp Chí...Không còn ai bắt chước lối văn của các cụ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim nữa...

Quan niệm “chữ Quốc Ngữ xóa đi nền văn hóa của dân tộc Việt Nam” là quan niệm quá lạc hậu, ngược dòng với sự tiến bộ của dân tộc Việt Nam.

 (b):Nền văn hóa Kitô giáo:

 Trước khi người Pháp đến xâm lăng nước ta vào năm 1862 thì đạo Công Giáo đã được truyền vào nước ta  cả mấy trăm năm rồi. Mặc dù bị cấm cách, bị bách hại đến mất cả mạng sống nhưng người theo đạo vẫn không từ bỏ đức tin. Chắc chắn người theo đạo cũng như người dân sống dưới chế độ quân chủ phong kiến đều biết rằng họ phải vâng lời vua chúa. Mệnh lệnh của vua là tuyệt đối, ai không tuân theo thì bị kết tội bất trung. Tôi bất trung là tội tử hình. (Quân xử thần tử,thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử  bất vong, bất hiếu). Con người vừa bất trung, vừa bất hiếu thì con có ai trên đời nầy có thể chấp nhận họ được nữa.

 Người theo đạo Công Giáo biết rõ điều đó và họ đã chấp nhận cái chết mà không từ bỏ đức tin mặc dù họ biết rằng làm như thế thì bị kết án là “đồ bất trung, bất hiếu”.

 Người Pháp đến chiếm nước Việt Nam, bóc lột dân Việt Nam...Người Việt Nam đứng lên đánh đuổi người Pháp để giành độc lập. Các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam rao truyền tình huynh đệ, bác ái, công bằng, lòng hiếu thảo với cha mẹ, từ bỏ điều ác để theo điều thiện và tin có sự thưởng phạt đời sau. Các nhà truyền giao đã đặt ra chữ viết, xây trường học, bệnh viện, trại mồ côi, tổ chức thành những giáo xứ có đời sống đạo đức, văn hóa tốt đẹp, tạo nên tình đoàn kết, yêu thương giữa mọi người. Dân tộc Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp chứ không chống lại tôn giáo mới nầy.

 Nếu có sự hiểu lầm đối với một số người (vì thiếu hiểu biết về đạo CG) thì cũng có số lớn đã hiểu rõ đạo Công Giáo và sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin trải qua các cuộc đàn áp dã man tàn bạo dưới thời đại phong kiến. Đã có trên 200.000 người chết vì đạo trong suốt mất trăm năm và 117 vị tiêu biểu nhất đã được Giáo Hội CG tôn vinh lên bậc hiển thánh. Sự kiện đạo CG vẫn tồn tại và phát triển chứng minh rằng dân tộc VN không kỳ thị, không xua đổi đạo đó. Nếu các chính quyền để cho dân chúng được tự do thì đạo CG chắc chắn đã phát triển nhanh hơn và con số người theo đạo không chỉ có khoảng trên 7 triệu tại VN như ngày nay.

 c): Các hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội, bác ái, từ thiện:

 Dưới thời đại phong kiến tỷ lệ người dân được đi học rất ít. Mỗi làng được vài người biết chữ và mỗi vùng chỉ có một thầy dạy chữ Nho có tính cách tư nhân, tùy tiện. Lên đến cấp huyện mới có trường của nhà nước và chỉ có một vị làm giáo thụ (giáo viên dạy chữ Nho). Đầu thế kỷ 20, cả miền Trung mới có một trường Tiểu học tại Huế với 1 hay 2 lớp (đó là trường Quốc Học Huế được thành lập dưới thời vua Thành Thái) mãi đến 40 năm sau trường nầy mới có đến lớp 11 để thi Tú Tài Bán Phần. Trước năm 1945, các tỉnh nhỏ chỉ có một trường Tiểu học, tỉnh lớn có trường Trung học nhưng rất hiếm.

Nhờ tổ chức trường tư thục CG từ cấp giáo xứ đến cấp tỉnh, thị xã đều có trường tiểu học hoặc cao hơn nữa là trường Trung học. Hệ thống trường tư thục CG nầy đã giúp cho con em Việt Nam chúng ta biết đọc, biết viết chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp từ cấp tiểu học trở lên. Bên cạnh nhà thờ CG thườing có trường sơ học từ Mẫu Giáo, lớp 1 đến lớp 3 ...Ngoài ra các chủng viện của Giáo Phận (vài ba tỉnh có một chủng viện) để đào tạo Linh Mục, cũng đã đào tạo được một số người có trình độ Trung Học trở lên. Nếu được chọn làm Linh Mục thì sẽ là những người lãnh đạo các giáo xứ ở Thành phố hay miền quê rất có khả năng và trình độ văn hóa. Nếu không được chọn làm Linh Mục, thì các người tu xuất nầy cũng là  những thanh niên có học để phục vụ xã hội trong các ngành hành chánh, giáo dục,v.v. Đa số các thanh niên ưu tú của VN trong giai đoạn trước 1945 cũng như sau 1945 đều theo học tại các trường CG. Sự đóng góp của CG trên phương diện văn hóa giáo dục thật to lớn, chúng ta không thể phủ nhận được.

 Như đã nói bên cạnh nhà thờ thì có trường học, có bệnh xá hay bệnh viện , có nhà nuôi trẻ mồ côi, một vài nơi lại còn có trại nuôi người bệnh phong cùi...  Hình ảnh các tu sĩ nam hay nữ phục vụ trong các bệnh viện, trong các trại mồ côi, trong các trại cùi...đó mới là hình ảnh đích thực của đạo Công Giáo. Đó là quà tặng của Giáo Hội CG đối với dân tộc VN. Những ai chỉ nhìn đạo CG trên phương diện tiêu cực, quyết tìm cho dược những khuyết điểm có tính cách nhất thời thì nên nhìn lại những hình ảnh nầy để so sánh.


http://freevietnews.com/audio2/data/upimages/jesus_doanchienquanui.jpeg



4. KẾT LUẬN:

 Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam đã được 450 năm. Lịch sử đó đi đôi với việc bách hại, đàn áp đạo Công Giáo.

Tôn giáo là phần cao nhất trong sinh hoạt tinh thần của con người. Con người đi từ ăn mặc, nhà ở, giải trí, văn chương, nghệ thuật, triết lý, chính trị...Và, cao hơn hết tất cả các thứ đó là Tôn Giáo. Đó là Niềm Tin của con người.

Một khi tôn giáo đã được thành hình, đã được mọi người tin theo thì khó mà tiêu diệt được. Một chế độ chínhị có thể kéo dài vài chục năm, vài trăm năm rồi cũng có ngày tàn. Nhưng tôn giáo, một khi đã thành tổ chức rồi, một khi đã có người nhận rằng đó là chân lý và đã tin theo rồi thỉ dù chính quyền có đàn áp dã man, dù phải mất mạng sống...người ta vẫn không từ bỏ niềm tin của mình. Đếá quốcLa Mã suốt 300 năm đàn áp đạo Thiên Chúa mà Kitô giáo vẫn còn, nhưng đế quốc La Mã đã cáo chung. Tại Việt Nam, các chế độ độc tài chủ trương tiêu diệt Kitô Giáo đã và sẽ qua đi. Nhưng Kitô Giáo vẫn tồn tại.

 Chú thích:

 (1) Xem Nguyễn Phương: Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn,
                 xb Khai Trí, Sài Gòn, 1968, tr.110.

(2) Thư của Castuera viết ngày 14 tháng 7 năm 1784, trích lại trong Việt Nam
               Thời Bành Trướng: Tây Sơn của Nguyễn Phương, nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1968, tr.124

(3) Nguyễn Phương, sđd, tr.338- 339

(4) Nguyễn Phương, sđd, tr.339. THực Lục đệ nhất kỷ, bản Hán Văn, quyển 4 tờ 15 b.

(5) Phan Phat Huồn: Việt Nam Giáo Sử, Quyển I, từ tr.227 đến  246.

 
IsSnYZzRY1IQcfjNxuHYFVTZ3ABYu1NMJX__d3_4d2V75cVx8X7RQu1BesJb6X2iz8-J6fYpFvdYBf5yK_ntS49Z_nWhEp_3JlwT5pMnLjW8r18pytN-CfOkLbA1J6U2i6wJhxrf6DAD_uXrdg

                           


Giáo sư Nguyễn Lý-Tưởng nguyên là cựu Dân Biểu Hạ Nghị Viện của Việt Nam Cộng Hòa tỉnh Thừa Thiên/Huế từ 1967 tới 1971. Là cựu tù nhân chính trị bị Việt cộng giam giữ khắc nghiệt 14 năm trong nhà tù Việt Cộng sau 1975. Ông là đương kim Chủ Tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng nhiệm kỳ 2012-2016. Hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ.

Ông tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, giảng dạy môn Quốc văn, Sử Địa, và Sinh ngữ ở Huế, Nha Trang, Saigon. Tổng Thư Ký Hội Sử Học Việt Nam từ 1967 tới 1975. Ông viết văn viết báo, từng là chủ nhiệm nhật báo Da Vàng tại Saigon 1970. Đã xuất bản 10 tác phẩm biên khảo lịch sử, thơ, tập truyện Việt sử, trong đó có bản dịch tcuốn Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, từ Hán Văn, gồm 4 dịch giả. Các tập truyện biên khảo lịch sử xuất bản ở Hoa Kỳ có các cuốn "Đưa em tới chốn Nhà Hồ", "Thuyền ai đợi bến Văn Lâu", "Ngày Trở Về"....

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12/01/2020
The book, entitled From the Depths of Our Heart, addresses the ‘dark time’ the Catholic priesthood is enduring because of Church scandals and ‘the constant questioning of their consecrated celibacy.’
22/04/2019
8 CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ? TRỞ LẠI THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICTÔ * Bài thuyết trình thứ tám 28 tháng 6 năm 2017
22/04/2019
NỘI DUNG CỦA BỨC THƯ TÌNH HÌNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI TRUNG QUỐC Bài thuyết trình thứ sáu 26 tháng 6 năm 2017
04/03/2019
Chúng ta đã thực thi được những gì theo giáo huấn mục vụ của Công Đồng Vatican II về Sách Thánh
14/02/2019
Book publishing is both an act of faith and a throwing of the dice.
11/02/2019
BBT chân thành giới thiệu cùng quý đọc giả tuyển tập các luận văn và các tập sách qua dòng thời gian của GS Nguyễn Đăng Trúc, nguyên Điều Hợp Viên sáng lập PTGDVNHN
27/01/2019
The relationship of China with the greatest secular world power—the United States of America—and the most universal global spiritual power—the Catholic Church—is in a state of flux. President Trump and Pope Francis are major protagonists in this dramatic period. Although what is happening in China has an impact worldwide, it is hard for the non-specialist to grasp what is underway and its significance for the future.
01/01/2019
CWR editors and contributors share their favorite reads from the last year.
25/12/2018
PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI Movement of the Vietnamese Laity in Diaspora Hải ngoại, ngày 08 tháng 08 năm 2018 NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ NGHỊ TRƯỚC HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC